Cựu cán bộ công an lĩnh 2 năm tù vì nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh
Sáng 25/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục phiên sơ thẩm vụ gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. Tại tòa, HĐXX điểm danh bị cáo, nhân chứng, người liên quan sau đó đọc lại toàn bộ bản luận tội của Viện kiểm sát.
Trong 5 ngày xét xử sơ thẩm (14-18/10), VKS nhận định các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn, có thời gian công tác nhiều năm, am hiểu rất rõ các quy định, quy chế của ngành giáo dục song không gương mẫu chấp hành.
Sau khi viện dẫn căn cứ tài liệu hồ sơ, chứng cứ vụ án, chủ tọa phiên tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo) mức phạt 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với vai trò chủ mưu.
Cùng tội danh, bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng) bị phạt 7 năm tù.
Bị cáo Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh) bị tuyên phạt 2 năm về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang – Triệu Thị Chính không thừa nhận phạm tội, chỉ thừa nhận vi phạm quy chế thi, nhờ xem điểm cho 13 thí sinh là con em lãnh đạo, cán bộ. Do đó, tòa tuyên bị cáo Chính 2 năm tù.
Riêng bị cáo Phạm Văn Khuông – Phó giám đốc Sở GD&ĐT là người công tác trong ngành giáo dục lâu năm, lại từng là chủ tịch hội đồng thi, ông phải nắm rõ quy trình, quy chế nhưng lại nhờ Hoài "giúp đỡ cho con trai" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Kết quả, con trai ông Khuông được nâng 13,3 điểm. Quá trình điều tra, bị cáo Khuông thành khẩn khai báo nên tòa tuyên 1 năm tù treo.
HĐXX cũng tuyên cấm các bị cáo Hoài, Lương, Chính, Khuông không được đảm nhận các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục trong một năm.
Kiến nghị điều hành vi "đưa - nhận hối lộ"
Cuối buổi tuyên án, HĐXX kiến nghị, Cơ quan ANĐT – Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ những người nhờ các bị cáo nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang có hành vi “đưa hối lộ”, các bị cáo có hành vi “nhận hối lộ” hay không?
Đáng chú ý, tòa cũng cơ quan điều tra làm rõ kiến nghị của các luật sư về trường hợp 2 thí sinh Sùng Văn Đông và Nguyễn Khắc Đông tại điểm thi THPT Sí Mần. Trong kỳ thi năm 2017, hai thí sinh này là thí sinh cá biệt nhưng lại đạt điểm rất cao và trúng tuyển Học viện công an nhân dân.
Ngoài ra, có một số thông tin gia đình thí sinh này phải dùng 500 triệu đồng chạy điểm cho con đỗ trường công an. Do đó, TAND Hà Giang cũng đề nghị Cơ quan ANĐT – Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tòa còn kiến nghị Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang lưu giữ toàn bộ tài liệu, bài thi của các thí sinh kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để phục vụ công tác điều tra tiếp theo.