Pháp, Đức quyết định quay lại phong tỏa vì số ca COVID-19 tăng phi mã

Một cửa hàng đồ chơi ở Đức vắng vẻ trước thời kỳ phong tỏa thứ hai. (Ảnh: Reuters)
Một cửa hàng đồ chơi ở Đức vắng vẻ trước thời kỳ phong tỏa thứ hai. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định đưa đất nước quay lại thời kỳ phong tỏa, khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt trở lại đang đe dọa sẽ bao trùm cả châu Âu trước khi mùa đông tới. 

Các thị trường chứng khoán thế giới cũng trở nên ảm đạm trước thông tin những nền kinh tế lớn nhất châu Âu hạn chế hoạt động trên khắp cả nước, với mức độ nghiêm trọng không kém đợt trước. 

“Virus đang lây lan với tốc độ mà thậm chí cả những dự báo bi quan nhất cũng chưa từng nghĩ tới”, ông Macron nói trong bài phát biểu trên truyền hình. 

“Giống như các láng giềng, chúng ta đang bị ngập trong sự gia tăng nhanh chóng của virus. Chúng ta đều ở cùng một hoàn cảnh: bị quá tải vì làn sóng thứ hai mà chúng ta biết sẽ khó khăn hơn, gây chết người nhiều hơn làn sóng đầu tiên. Tôi đã quyết định rằng chúng ta cần quay lại với phong tỏa để ngăn chặn virus”, ông nói. 

Theo quy định mới của Pháp có hiệu lực từ ngày 30/10, người dân sẽ phải ở nhà và chỉ được ra ngoài để mua hàng thiết yếu, khám bệnh hoặc tập thể dục 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Họ sẽ được phép đi làm nếu ông chủ thuê họ không thể sắp xếp cho nhân viên làm việc ở nhà. Tuy nhiên, các trường học sẽ vẫn mở cửa. 

Giống như những ngày đen tối nhất trong đợt một, bất kỳ ai ra ngoài ở Pháp sẽ phải mang theo giấy tờ để chứng minh với cảnh sát lý do chính đáng. 

Còn Đức sẽ đóng cửa các quán bar, nhà hàng và rạp phim từ ngày 2-30/11. Các trường học sẽ vẫn mở, cửa hàng được phép hoạt động nhưng hạn chế người vào. 

“Chúng ta cần hành động từ bây giờ. Hệ thống y tế của chúng ta vẫn đủ khả năng đối đầu với thách thức này, nhưng dịch bệnh lây lan với tốc độ hiện nay sẽ sớm chạm giới hạn năng lực của chúng ta chỉ sau vài tuần”, bà Merkel nói. 

“Tháng 11 sẽ là tháng của sự thực. Số ca bệnh gia tăng đang buộc chúng ta phải có biện  pháp đối phó cứng rắn để phá vỡ làn sóng thứ hai”, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz viết trên Twitter. 

Pháp đang có tới hơn 36.000 ca mắc mới mỗi ngày. Đức có ít hơn nhưng số ca bệnh cũng tăng với cấp số nhân. 

Tại Mỹ, làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục lập kỷ lục khi chỉ còn 6 hôm nữa đến ngày bầu cử. Tổng thống Donald Trump vẫn hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch bệnh và không thể hiện dấu hiệu gì cho thấy ông sẽ hoãn các cuộc tập trung vận động cử tri, khi những người ủng hộ ông thường không đeo khẩu trang hay giãn cách. 

Ngày 28/10, cc thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa với giá trị thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Chỉ số &P 500 của Mỹ giảm 3%. 

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tác động kinh tế, Đức quyết định sẽ dành 10 tỷ euro để hỗ trợ các công ty bị sụt giảm doanh số. Ý cũng dành hơn 5 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế. 

Dù các lãnh đạo đang cố gắng hạn chế tác động to lớn của các biện pháp phong tỏa, những hạn chế mới phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình khi số ca nhiễm mới đang tăng phi mã từ Tây Ban Nha sang Pháp, Đức, Nga, Ba Lan và Bulgaria.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG