Người lái xe khiếm thính
Cũng là người quê ra phố nên tôi hiểu được phần nào những tâm sự của bác xe ôm già. Mùi phố phường có lúc khiến những người như tôi, như ông cảm thấy ngột ngạt song lại quyến luyến chẳng nỡ dứt ra…
Hồi cựu tài tử Thương Tín chưa mất hút như bây giờ, tôi và ông thỉnh thoảng “buôn” điện thoại. Tôi khuyên ông cứ ở quê cho lành, trở lại Sài Gòn làm chi thêm tội? Ông thật thà chia sẻ: Ở quê buồn lắm, chẳng biết làm việc gì. Mai kia sẽ tìm đường trở lại Sài Gòn thôi. Có một dạo Thương Tín làm shipper, tôi hỏi ông có vất vả lắm không? Ông cười: Có vất vả gì đâu lại còn được lòng vòng ngắm phố.
Bác xe ôm ở Tiền Giang mà tôi gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua không có tâm hồn nghệ sỹ như tài tử “Ván bài lật ngửa”. Ông cảm nhận nỗi cơ cực của nghề nhưng dù gì vẫn thích bơi trong dòng chảy sôi động ở Sài Gòn hơn là về quê: “Mấy năm nữa tôi mới tính chuyện về quê, vì bây giờ còn khoẻ, còn đủ sức bươn chải, về làm gì?”. Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 7- 8 triệu đồng. Theo ông, ở quê không dễ kiếm được số tiền ấy. Tuy vậy, ông cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu, vì còn phải trả tiền thuê nhà trọ rồi tiền ăn uống: “Buổi sáng tôi thích ăn hủ tiếu gõ, trưa, chiều ăn cơm. Mỗi bữa hết đôi ba chục ngàn”.
Người lái xe ôm khiếm thính trong quán cà phê ở sân bay Tân Sơn Nhất |
Thỉnh thoảng tôi có dịp lướt qua Sài Gòn, mỗi lần như vậy lại quen với một vài người lái xe ôm. Có trường hợp cả hai mến nhau đến độ lưu số điện thoại, trở thành bạn zalo để ấn “like” hoặc bình luận vài câu vui vẻ. Để được người làm nghề xe ôm quý mến tưởng dễ mà khó. Bởi một số người làm nghề này vốn đã tự tạo khoảng cách cho mình. Như bác xe ôm ở Tiền Giang nhất định nhận mình thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội.
Tôi bảo ông nên nghĩ rộng ra và thoáng hơn sẽ thấy: “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình”. Ông cười vui vẻ, nhận lời uống cà phê với tôi, trước khi tôi về Hà Nội. Bác xe ôm tự hào về quá khứ: “Ngày xửa xưa, thời các cụ, gia đình tôi ở quê cũng lắm ruộng vườn đất đai. Đến thời của tôi mới vất vả vậy”.
Ông từng lập gia đình một lần nhưng đã đổ vỡ. Hai người không có con cái. Trước kia ông làm công nhân ở một công ty tư nhân nhưng cách đây vài năm bị sa thải vì tuổi cao, sức yếu, nên chuyển sang nghề xe ôm. Tôi hỏi ông có định đi bước nữa không? Ông cười: “Ai chịu lấy mình cô ơi!”. Mà hiện tại ông cũng không có thời gian và sức lực để suy nghĩ đến chuyện lấy vợ. “Cô biết không, chiếc xe tôi vừa chở cô là tôi thuê đó, 30 ngàn đồng/ngày”, ông “bật mí”.
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Làm xe ôm mà bác không có nổi chiếc xe hay sao?”. Thì ra, ông cũng từng có một chiếc xe để hành nghề nhưng một hôm chạy xe mệt quá, về đến nhà ông lăn ra ngủ, tỉnh dậy chiếc xe quên khoá dựng ngoài phòng trọ đã “không cánh mà bay”. Người đàn ông xấp xỉ tuổi 60 này bị khiếm thính. Nói chuyện với ông tôi phải nỗ lực to giọng mà vẫn bị hỏi lại: “Cô nói gì?”. Tôi thắc mắc vì sao chỉ một bên tai của ông có trợ thính: “Bên kia tôi làm rơi, vỡ rồi. Khi nào có tiền sẽ mua lại đôi trợ thính khác”.
U80 vẫn gồng gánh gia đình
Nhạc sỹ Quốc Bảo từng chia sẻ: Ông “nghiện” đi xe máy. Bây giờ gặp vấn đề thị lực nên ông đành chia tay sở thích. Thầy giáo thời đại học của tôi, một giáo sư văn học nổi tiếng không chạy xe máy song lại khoái đi xe ôm.
Tôi không mê đi xe máy như tác giả “Tóc nâu môi trầm” nhưng bắt chước thầy giáo thường xuyên di chuyển bằng xe ôm. Tôi đã gắn bó với phương tiện di chuyển này từ trước khi tiện ích đặt xe công nghệ ra đời. Cũng đôi ba lần tôi bị xe ôm cho “đo đường” nhưng vẫn chưa biết sợ. Những câu chuyện của người hành nghề chở xe máy đưa đón khách như những cuốn tiểu thuyết thu hút tôi.
Tôi từng có khoảng thời gian dài hơn 10 năm là hàng xóm và là khách hàng thân thiết của một bác xe ôm. Ông đã ngoài 70 tuổi mang không ít bệnh của người già nhưng ngày ngày vẫn chạy xe ôm, đưa đón những khách quen, đưa trẻ con đi học. Ai cũng muốn được nghỉ ngơi khi gánh nặng tuổi tác đè trên lưng nhưng ông hàng xóm của tôi thì không thể, bởi ông là lực lượng lao động chính trong nhà.
Vợ ông bị bệnh não, cuộc sống của bà gắn với chiếc giường. Một cậu con trai của ông lại kém minh mẫn, cậu xoay xở với nghề bơm xe đạp, xe máy ở vỉa hè, thu nhập hàng tháng chỉ đủ để nuôi một chú mèo mà cậu yêu quý như con. Con trai lớn của ông đã lập gia đình, ra ở riêng, còn cậu con trai út cũng đã xấp xỉ tuổi 40 nhưng đang thất nghiệp.
Xe ôm công nghệ trên phố phường thủ đô |
Hành nghề xe ôm song ông lão hàng xóm của tôi không phải đứng ngoài đường săn khách, cũng không tham gia tiện ích đặt xe công nghệ. Bởi nhiều năm làm nghề ông đã sở hữu một lượng khách thân thiết, họ giúp ông có một khoản thu nhập nho nhỏ đủ để rau cháo nuôi mình, nuôi vợ con. Để tiết kiệm chi phí, gia đình ông chỉ ăn 2 bữa trong ngày, tích hợp bữa sáng và bữa trưa lúc 10 giờ. Bữa tối diễn ra lúc 17 giờ.
Gia đình ông hay xảy ra cãi vã tưng bừng. Có lúc ông lớn tiếng mắng con bằng ngôn ngữ đường phố khiến tôi giật mình tự hỏi, ông lão hiền từ, thân thiện, sẵn sàng trợ giúp hàng xóm bất cứ việc gì đâu rồi? Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ông mắng người vợ bệnh tật suốt bao năm tháng chỉ nằm trên giường. (Cả nhà ông chỉ có một chiếc giường nhường vợ, ông nằm trên ghế, con ông trải chiếu nằm đất).
Cơn giận của ông bùng lên như ngọn lửa song lại chóng tàn, chẳng để lại vết tích. Mắng con tơi bời nhưng khoảng một tiếng sau tôi đã thấy ông vui vẻ, lại đi khắp ngõ ngách tìm mèo giúp cậu con trai. Có khi nửa đêm hai bố con ông vẫn đi tìm mèo. Ông thương đứa con dại chẳng vợ, chẳng con, chẳng bạn bè, chỉ có con mèo làm vui, thỉnh thoảng mèo trốn nhà đi chơi, hai bố con cuống cuồng đi tìm.
Bạn trẻ có tên Lê Minh Thiện sẵn sàng miễn phí xe ôm cho người già, người khuyết tật |
Dù ông nói, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi không tìm ra chất thanh lịch ở ông, chỉ thấy ông kỹ tính hơn mức cần thiết. Ông có thể vui vẻ nhận một món ăn mà tôi mang sang nhưng nhất định từ chối nhận tiền giúp đỡ, ngay cả khi ông đang cần tiền chữa bệnh. Ngày tôi chuyển chỗ ở, ông thập thò ở cửa rồi đưa vào tay tôi cái đồng hồ treo tường màu đỏ: “Nhớ treo nó lên ở nơi ở mới, để mỗi lần nhìn đồng hồ mày lại nhớ đến tao”. Tôi bùi ngùi nhận món quà và treo nó lên góc sáng nhất trong nơi ở mới của mình.
Hạnh phúc giản đơn
Một ngày đẹp trời ở Hà Nội, tôi ngồi xe ôm hơn chục cây số dạo phố xá. Người lái xe ôm cũng đã đứng tuổi. Ông vui chuyện, không ngại khai với tôi quá khứ bất hảo, ở thành phố một mình nên ông sa vào cờ bạc, cá độ, khiến vợ con ở quê khổ sở. Nhưng cách đây độ dăm năm ông bỗng sực tỉnh, quyết tâm làm lại từ đầu với nghề xe ôm. Ông bảo vợ đi vay tiền cho ông để ông sắm chiếc xe máy hành nghề.
Vợ ông khóc lóc khuyên ông nghĩ lại vì bà không tin người bạn đời của mình thay đổi tâm tính. Nhưng trước thái độ kiên quyết của ông, người đàn bà quanh năm gắn bó ruộng vườn đành gạt nước mắt đồng ý. Vài tháng sau, ông mang tiền về bảo bà đi trả nợ, còn cho thêm bà vài triệu đồng để chi tiêu. Kết thúc chuyến đi, tôi thanh toán chi phí cho ông, ông cố gắng giữ tôi lại một phút để khoe: “Cô không tin tôi à? Đây nhé, tôi cho cô xem số tiền tôi đã tiết kiệm được trong ngân hàng điện tử”. Tôi mừng cho ông và cũng dặn mình: “Đừng vội tuyệt vọng niềm tin ở người khác”.
Trở lại với bác xe ôm quê gốc Tiền Giang đang lăn lộn ở Sài thành. Nhìn bác uống cà phê, loay hoay với dao và dĩa để cắt miếng bánh ngọt, tôi mỉm cười. Bác đưa cả miếng bánh to vào miệng và khen: “Bánh này ngon đấy”. Rồi bác tổng kết một ngày: “Hôm nay tôi hên, mà số tôi thường hên nên hay gặp khách như cô”. Tôi nhờ ông chở tôi suốt cả chiều, từ lúc nắng rực rỡ tới khi hoàng hôn tắt lịm. Kết thúc chuyến đi tôi hỏi ông hết bao nhiêu tiền? Ông khẽ khàng đáp: “300 ngàn cô ạ”.
Tôi bất ngờ, nếu ở Hà Nội thế nào tôi cũng tốn khoảng 700 ngàn, 800 ngàn đồng, thậm chí cả triệu bạc. Tôi vội vàng lục ví tìm được 90 ngàn đồng tiền lẻ, đưa thêm cho ông và mời ông uống cà phê, ăn bánh ngọt. Ông hỏi tôi: “Lúc nãy cô vào nhà bạn cô à? Bạn cô giàu thế, nhà có cả bảo vệ”.
(Trước đó, tôi ghé thăm bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam nằm bên sông Sài Gòn, trong đó có những bức tranh trị giá cả triệu đô của những cố danh họa Việt). Tôi cười nhắc bác xe ôm: “Bác đã xem phim “Người giàu cũng khóc” chưa? Không ai trên đời này chưa từng rơi nước mắt, dù giàu hay nghèo”. Bác xe ôm cười tán thưởng và hứa hẹn, sẽ mua lại xe máy. Hôm qua, từ Sài Gòn ông gọi điện thông báo cho tôi: “Tôi đã mua một chiếc Honda, xấp xỉ 30 triệu bằng hình thức trả góp. Cuối năm nay tôi sẽ trả hết. Hôm nào cô vào đây tôi chở cô đi bằng xe mới coong nhé”.
Tôi thường thắc mắc không hiểu vì sao các bác xe ôm có thể chạy suốt ngày bất chấp thời tiết nóng, lạnh. Hoá ra, họ có dụng cụ giữ ấm hoặc làm mát đặt ở trong người dưới những lớp áo.
Bây giờ cũng có nhiều bạn trẻ chạy xe ôm công nghệ. Có bạn lễ độ, vui vẻ, cũng có những bạn tạo ấn tượng xấu với khách. Nhưng tôi nhớ nhất, có những bạn trẻ sẵn sàng chở xe ôm miễn phí cho người già, người khuyết tật.