Phận trôi nước, phận nước trôi...

TP - Tôi tìm thấy mộ nàng mùa đông hai năm trước giữa cánh rừng nhỏ trong quần thể nhà thương điên bỏ hoang xứ Ohio, Hoa Kỳ. 
Phận trôi nước, phận nước trôi... ảnh 1

Vào buổi chiều tuyết lạnh hoang người dưới bầu trời xám thấp u mù ấy, tấm bia đá thô sơ ghi tên Xuân, tên một người con gái Việt Nam đã làm tim tôi cứng nghẹn. “Nơi đây yên nghỉ cô gái nhỏ Việt Nam đã yêu đến nổ tung lồng ngực.” Đọc dòng chữ khắc trên bia mộ tôi tưởng mình vừa bơi cả chuyến dài  qua Thái Bình Dương về nơi nào đó dọc sống lưng chữ S có nắng trong cát rát và hàng bạch đàn xao xác đến ngôi nhà Xuân đã sinh ra. Để thấy nàng khỏa thân trước biển, đôi bầu vú thõng dài những tuyệt vọng lứa đôi. Cả mùa đông ấy, giữa nhiều giấc chập chờn, Xuân ẩn hiện lờn vờn gại nứt đường linh cảm trong tôi. Ước ao được chạm vào mảnh trái tim vỡ nát nhưng hãy còn đỏ máu của nàng để nghe lời quá khứ, tôi đi tìm Xuân.

Mùa hè vừa rồi tôi đã thấy nàng. Nhân dáng Xuân hiện ra rõ ràng, đến với tôi trong sự tình cờ may mắn. Người y tá từng chăm sóc nàng sống ngay đầu con phố nhỏ, góc đường tôi vẫn hàng ngày qua lại. Bị ám ảnh bởi bệnh nhân nhỏ đến từ đất nước nhỏ bên kia bán cầu khôn nguôi, sau này bà đã nhận nuôi một bé gái Tây Ninh nhưng cô gái lại chết trên tay bà vài năm sau khi đến Mỹ bởi chứng bệnh động kinh khởi thủy từ quê nhà. Bà nói gần như đang quên hết mọi thứ  trong cuộc đời để chờ ngày Chúa cứu rỗi, nhưng Xuân thì không, có lẽ ở thế giới bên kia linh hồn bà vẫn có một miếng nhỏ lưu cất dáng hình Xuân câu chuyện của Xuân.

Trong ngôi nhà nhỏ ở một con hẻm nhỏ nào đó của Sài Gòn xưa, Xuân đã sống những ngày ngời sáng bên người cha là nghệ nhân làm đàn violin và người mẹ dạy học. Cha nàng cưng yêu đứa con gái độc nhất tới mức ngày bác sĩ thông báo Xuân sẽ không thể nghe nói được nữa sau một trận sốt dài, ông phát dại ôm cây vĩ cầm lao thẳng xuống sông. Không chết nhưng hỏng một bàn chân, ông trở về buồn rầu ngày qua ngày sớm tối bên con kéo vĩ cầm. Người cha ấy có niềm tin mãnh liệt rằng tiếng vĩ cầm réo nặng tình phụ tử nhói cùng nỗi đau binh loạn thời cuộc bên ngoài sẽ làm tan tấm vách độc ác ngăn con gái mình nghe cuộc sống nghe đất trời nghe lời tỏ tình từ tình nhân. Khi ấy Xuân mười bảy, có gương mặt sầu khói yêu kiều, đôi mắt đen ngơ ngác với mười ngón tay dài. Mỗi khi người cha đàn, Xuân đưa mười ngón ngắn dài xanh xao ấy vờn múa theo nhịp, như thể âm thanh luồn thẳng từ trái tim cha đến trái tim cô.

Rồi một chiều nắng, có đàn ông da trắng mang cây vĩ cầm cổ tới nhà. Quý tộc Boston, đang học lý luận âm nhạc ở Havard thì xung phong vào quân đội với ý nghĩ vì tự nguyện nên có thể không phải đến chiến trường Việt Nam. Chúa không thể điều khiển nổi chiến tranh, chàng mang theo cây vĩ cầm gia truyền nhiều đời tới vùng lửa khói. Vĩ cầm buồn, vĩ cầm đứt dây rệu phím, hối chân chàng bước vào ngõ nhỏ. Bước luôn vào khúc quanh định mệnh. Bất cứ chàng trẻ tuổi nào cũng ngơ ngẩn lịm chìm trong đôi mắt sầu thẳm của Xuân, huống gì nhà quý tộc lãng mạn ưa thích điệu réo rắt vỹ cầm. Và Xuân, nàng tiên câm nghe thấy triệu triệu thanh âm du dương dội lên từ ánh si mê của chàng.

Người cha chấp nhận cho con gái theo chàng quý tộc về Mỹ chữa bệnh sau khi chàng giải ngũ, may mắn chỉ để lại hai ngón tay đâu đó vùng bùn lầy Đồng Tháp. Ngày chia tay, người cha trao cho Xuân cây vĩ cầm tự tay làm trong bốn năm trời, từ buổi sáng Xuân không còn nghe nói được cho tới buổi chiều người trai xa lạ dắt nàng khỏi ngõ nhỏ. Khi nào con khỏi bệnh, hãy kéo lên bản “Dạ cổ hoài lang” bằng chính cây đàn này, cha thể nào cũng nghe thấy... Xuân ghì chặt người cha cùng cây đàn phụ tử, trái tim vỡ nát một phần.

Đến Mỹ, định mệnh một lần nữa để lò than hồng dưới chân nàng. Người em sinh đôi của chàng quý tộc đem lòng yêu Xuân, và anh ta cũng tật nguyền như Xuân. Nàng đau đớn để niềm tin từng tuyệt đối rơi rụng khỏi người mình. À, hóa ra người ấy chỉ thương hại mình vì mình giống em trai hắn. Thế thì đồng cảnh ngộ, mình sẽ yêu sẽ lấy em trai hắn cho hắn vừa lòng. Những chuỗi ngày chuỗi đêm bất tận thương yêu dày vò u mê của ba người trong câm lặng. Thêm nỗi nhớ quê hương, nàng thu mình trong căn phòng tối cùng cây vĩ cầm đã nguội lạnh hơi cha. Cho đến một mùa đông, ngày tuyết đổ nặng nhất, nàng bứt dây vĩ cầm thít nát thịt da mình... Chuỗi ngày chữa chạy không thành. Đúng lúc tháng Tư bảy lăm, chiến trường ngưng súng nổ và ngưng luôn tấm giấy thông hành cho người cha đến Mỹ thăm con.

Suốt ba năm ở nhà thương điên, người bạn duy nhất của Xuân là cây vĩ cầm đầy vết xước bởi chính hàm răng và đôi tay nàng. Người anh cựu binh thường đến thăm đầu tuần, dạo cho nàng những bản nhạc ngợi ca tình yêu cuộc sống. Chẳng biết Xuân có nghe được hay không, chỉ thấy nàng hững hờ gại từng ngón xước lên những dây đàn chùng đứt rướm máu của chính mình mà nhìn qua ô cửa. Nơi đó cha có còn kéo đàn và mẹ có còn ca dạ cổ hoài lang... Người em tới đều đặn mỗi cuối tuần, dắt Xuân vào rừng, hái hoa dại cài lên tóc nàng chờ hoàng hôn xuống trong câm lặng thiên nhiên câm lặng loài người.

Nàng chết vào đúng ngày xuân đến, ngày cỏ cựa rễ và lá vươn tay, trong tư thế cuộn khoanh như hài nhi giữa bụng mẹ. Cây vĩ cầm của người cha ép chặt vào bụng nàng như dây rốn. Bà y tá già nói gỡ mãi không ra, kể cả rảy nước thánh nên người ta đã đặt cả nàng và cây vĩ cầm thương tích vào quan tài hạ xuống đất sâu. Hạ xuống thân thể người con gái da vàng câm nín, hạ xuống một quê hương.

Ôi, đàn bà, trôi đến đâu vẫn phận đàn bà. Ai đó than rằng độc thân, đóng cái đinh lên tường, chảy máu tay, tủi thân ngồi khóc. Chỉ là cái đinh tường, nếu đinh cô độc đinh sầu nhớ đinh tuyệt vọng sẽ thê thảm biết chừng nào. Xuân đã mất, mang luôn quê hương xuống huyệt mộ. Mộ nàng giáng sinh nào cũng có người đặt hoa, những bông hồng đỏ ngời giữa tuyết xám mà không nhấc nổi quê hương khỏi nàng. Rung, em gái Thái Lan cũng sẽ không quay về, dù giấy thông hành luôn mở sẵn. Hình như, hình như quê nhà vẫn còn đó thơ ấu còn đó bóng mẹ còn đó ngôi trường xưa còn đó nhưng đã thôi không còn là quê hương đối với người đàn bà lấy chồng xa xứ. Đất quê hương đã “hóa tâm hồn” nhưng “nơi đất ở” mới home sweet home.

Tôi, ngày rời quê nhà quay lại Mỹ vài tháng trước đã không khóc. Lần đầu tiên nước mắt giã biệt không rơi, nỗi đa cảm chợt dấy hoang mang. May mắn hơn Xuân, quê nhà tiếng súng đã im chẳng còn ngăn trở, tôi đi về chẳng cần giấy thông hành. Mà đôi lúc quê nhà sao quá xa xôi...    Quê hương có phải quê nhà, quê nhà có còn là quê hương? Khi mà ta đã yêu ghét, đã sinh con đẻ cái, đã đội mưa lội tuyết, đã cắm neo đời mình trên một mảnh đất khác. Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn. Hãy để mảnh đất chôn nhau cắt rốn thấm đẫm mao mạch kẻ tha hương, rồi mở lòng đón nhận một quê hương mới. Chùm khế ngọt vẫn ở đó, trên cành cây nơi góc vườn của mẹ nhưng bàn tay ta đã không còn hái được. Quê nhà quê hương, hãy xem chúng đơn thuần chỉ là từ ngữ.

Du Tử Lê dặn hậu thế “Nếu tôi chết hãy đưa tôi ra biển”. Tôi, chúng tôi, những phận đàn bà xa xứ, hãy đặt vào lòng chúng tôi nơi chỗ dạ con chiếc dây rốn hồi ức quê nhà nhớ thương trước lúc nắp nghìn thu sập xuống. 

Ôi, đàn bà, trôi đến đâu vẫn phận đàn bà. Ai đó than rằng độc thân, đóng cái đinh lên tường, chảy máu tay, tủi thân ngồi khóc. Chỉ là cái đinh tường, nếu đinh cô độc đinh sầu nhớ đinh tuyệt vọng sẽ thê thảm biết chừng nào. Xuân đã mất, mang luôn quê hương xuống huyệt mộ.

MỚI - NÓNG