Tạp văn

Hôn nhân và đàn chim hay chuyện facebook của Diệu

TP - Thượng đế ban cho con người sự sống, con người tạo ra hôn nhân và mỗi người hủy diệt hôn nhân theo cách của riêng mình. Tôi muốn, tôi để, tôi thả, tôi bắt hôn nhân của tôi phải quyên sinh là quyền của mình, là hoàn toàn phải phép. Người đời nên im lặng.

Hai ngày trước.

Sáng nay tôi vừa ủy quyền cho luật sư nộp đơn ly hôn ra tòa. Theo  một cách nào đó tôi đã dựng bia mộ cho cuộc hôn nhân của tôi và anh, dựng bia mộ cho một tình yêu và lấp đất cho quãng thanh xuân của đời truân chuyên. Cũng có thể nói hôn nhân của tôi đã tự tử và đang hấp hối. Cứu được không? Chẳng bác sĩ, không thần thánh nào trả lời được ngoài chính bản thân tôi. Cuộc hôn nhân cũng như đời sống một con người, có hoài thai có ra đời có hạnh phúc rồi đớn đau và không thể bất diệt. Thượng đế ban cho con người sự sống, con người tạo ra hôn nhân và mỗi người hủy diệt hôn nhân theo cách của riêng mình. Tôi muốn, tôi để, tôi thả, tôi bắt hôn nhân của tôi phải quyên sinh là quyền của mình, là hoàn toàn phải phép. Người đời nên im lặng.

Buổi chiều, tôi ngồi ngắm đàn chim bay đến ăn nắm hạt chồng tôi vãi ngoài hiên. Chúng vội vàng nhặt như thể giông lốc sắp đến sẽ thổi tung mất đám hạt ra bao la. Thế mà có hai con mái xanh mào hồng cứ nhẩn nha đứng tỉa lông ngắm trời chờ con trống mang hạt về mớm, như thể thế giới này chỉ luyến ái là duy nhất. Luyến ái, "chỉ duy nhất luyến ái làm ta ngây ngất!" Anais Nin, nhà văn Mỹ gốc Pháp, người được mệnh danh là bà hoàng hoang dâm của văn chương phương Tây đã đúc kết thế trong tập Nhật ký. Văn sĩ được xem là xuất sắc nhất với thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam không ngần ngại mà nói rằng suy cho cùng, mọi sung sướng hay buồn đau lớn nhỏ trên thế gian này đều từ chuyện đàn ông đàn bà mà ra. Thì tôi, tôi tẩm liệm luyến ái buồn đau này để tìm luyến ái sung sướng khác, cũng lẽ thường tình. Lẽ thường tình mà sao vật vã mà sao dứt day mà sao chật vật mãi chưa đào được huyệt. Phải kiên quyết bay ra khỏi chiếc lồng ngột ngạt này, bởi biết đâu ngoài kia, có bao nhiêu chim trống thân xanh mào hồng đang ngậm hạt đứng chờ đâu đó.

Hôn nhân và đàn chim hay chuyện facebook của Diệu ảnh 1 Minh họa: Lê Thiết Cương.

Ngày hôm qua.

Tuyết bắt đầu rơi. Những bông đầu mùa yếu mảnh, nhạt nhòa. Không có chim xanh mào hồng nào đến ăn hạt nên tôi chợt muốn quyên sinh. Vâng, sự sống là quý giá, tôi có thể đã phải sống thế này vì bố mẹ sống thế khác vì con cái nhưng tôi vẫn là chủ của sự sống đó. Tôi muốn kết liễu âu cũng chẳng phạm pháp gì.

Tôi lái xe đến nghĩa địa nhà thương điên, nơi Xuân Ðỗ - cô gái Việt Nam "yêu đến nổ tung lồng ngực" đương yên nghỉ.  Ai đó đã đặt trên mộ phần cô một nắm hồng đỏ, những bông tình yêu vẫn còn rạng ngời giữa tuyết. Ai? Chàng trai đã phụ bạc Xuân, người chồng đã bỏ rơi Xuân hay người tình đã ruồng rẫy nàng vừa mới tới đây? Ông ta có nghẹn ngào gọi tên nàng, có rơi giọt nước mắt nào, có nuối tiếc ân hận chuyện đã qua? Thế nào thì cũng đã thế rồi... Nắm hồng này chẳng làm lồng ngực Xuân khép lại, nàng vĩnh viễn không thể cài cúc áo để che đi trái tim thương tổn của mình. Xuân ra đi còn có kẻ đặt hồng đỏ tưởng nhớ, dù kẻ đó có thể đã gian dối phụ rẫy nàng. Nếu tôi quyên sinh, chắc chỉ còn miệng lưỡi người đời về một ả lụy tình.

Hôn nhân là một thứ hiện thực huyền ảo điển hình, chẳng phải vậy sao? Không ai nhìn hay nắm được tình yêu bằng da bằng thịt, hứa hẹn thì mong manh, cảm xúc luôn ngúng nguẩy... 

Không, nếu tôi có quyên sinh cũng không phải vì chuyện ly hôn, chỉ là vì bầy chim không đến ăn hạt. Với tôi, ly hôn không phải chuyện lớn vì tình yêu đã băng hà từ xa lắc xa lơ. Tình yêu không còn, chuyện gì cũng nhỏ. Vợ chồng là hai người bạn thân đặc biệt, một ngày thấy không đặc biệt nữa thì lảng dần nhau ra rồi thành bạn bình thường, không bạn được nữa cứ xem như người quen, có gì mà ghê gớm chia lìa khổ đau! Ðừng tin những câu chuyện trong tiểu thuyết ái tình.

Chập tối, đàn chim bay tới rộn ràng náo nức. Cứ như thể mùa xuân đã đến thật, cứ như thể ly hôn là chuyện vui lắm. Tôi tự hỏi hay mình đang viết truyện hiện thực huyền ảo. Hôn nhân là một thứ hiện thực huyền ảo điển hình, chẳng phải vậy sao? Không ai nhìn hay nắm được tình yêu bằng da bằng thịt, hứa hẹn thì mong manh, cảm xúc luôn ngúng nguẩy... Ai đó nói cứ hét toáng lên tôi hạnh phúc lắm tôi hạnh phúc lắm, mới hoang tưởng làm sao.

Ðàn chim no nê, lần lượt nhấc cánh liệng lên trời. Tôi lại chợt thôi muốn quyên sinh. Bởi dù sao năm mười sáu tuổi tôi cũng đã làm bài thơ có tựa đề Ly hôn, kết thúc thế này:

Tiếng trăng vỡ loảng xoảng làm em tỉnh giấc/Lần xỏ chân vào dép/Thấy rộng hoác/Giật mình/Nhìn đôi dép của anh bỏ quên/Chưa mang về nhà mới.

Hôm nay.

Mùa lễ lạt. Dù chúng tôi sắp ly hôn thì năm mới vẫn cứ đến và chuyến đi vẫn phải khởi hành. Lái xe xuyên qua tiểu bang West Virginia, tiểu bang rừng núi thưa người nghèo nhất nước Mỹ vào mùa đông thật hợp lẽ với kẻ u buồn. Xám, xám và xám mênh mông. Triền miên đèo dốc triền miên hiu quạnh. Tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân. Tôi đúng là nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp trong Thương nhớ đồng quê. Lẽ ra giờ này tôi nên ra đồng cắt cỏ hay vào bếp nấu cám, không nên làm kẻ tha hương rong ruổi xứ người. Lẽ ra tôi chỉ nên lấy chồng không nên yêu đương. Tôi đang hối hận, chẳng lẽ tôi đang hối hận? Ăn năn là mùa xuân của phẩm hạnh. Tôi vẫn nằm lòng câu tục ngữ xứ Trung Hoa.

Radio chơi bản Riders on the storm đúng lúc xe lên đỉnh đèo. Chiếc  ô tô dựng lên hệt chú ngựa đang nhảy qua ánh chớp. Bài nhạc rock của The Doors khiến những cánh rừng trơ gầy lướt qua tôi một cách oai hùng. Lồng ngực rộng mở, trái tim tôi bật ra vùng chạy. Nhịp của nó nhanh hơn tiếng những con ngựa nòi mà The Doors đang gõ móng.

Chạy đi chạy đi những cuồng dại yêu thương và cuồng dại hận thù.

Giữa cơn giông số phận, giữa sấm chớp định mệnh tôi lại hiện nguyên  hình người nông dân vạm vỡ sinh ra ở nông thôn. Quẩy trên vai một  đầu cô đơn một đầu kiêu hãnh, đòn gánh thép nạm huyền ảo sẽ đưa người qua bão giông. Tôi đó, bạn đó, với trái tim thương tổn và nỗi cô độc chảy tràn huyết khí sẽ tự cưỡi chính mình phi đến đích. Chúng ta không cần ngựa dũng mãnh ai đó cho mượn, chúng ta chẳng hoài xe thể  thao lướt nhanh như gió, cũng không thèm chiếc gậy phù thủy thần kỳ.

Chúng khiến ta phải nương phải tựa. Tin đi, sự cô độc tưởng khiến người bi quan nhưng chính là sợi dây bền dai nhất kéo ta đi tiếp.

Chạy hết những con đường hoang xám West Virginia, xe đến một  vùng  xinh đẹp trang hoàng lộng lẫy như thể chính là nơi Thiên Chúa  sắp giáng sinh. Riders on the storm đã hết từ lâu. Tôi thẳng lưng, hít thở một hơi dài, dài từ nước Mỹ xa xôi đến tận ngôi làng có người mẹ nông dân, lòng chợt nghĩ đến bầy chim. Chiều nay không ai vãi hạt, chiều mai chiều mốt cũng không. Chiều nay người đàn bà Việt Nam cô độc không ngồi trông chúng đến, chiều mai chiều mốt cũng không. Chim ơi, hãy đến hiên nhà khác, nơi có người đàn ông giả vờ vui tính cùng người đàn bà ảo tưởng trong hạnh phúc. Hãy nhắm mắt lại, chim thân mến, để khỏi thấy người chồng đang gửi thư tình cho bạn thân của vợ và người vợ đương khoe khoang những tấm hình vợ chồng lãng mạn lên facebook. Mùa xuân, chim nhớ trở về mái hiên xưa. Biết đâu lại có người đàn ông vãi hạt và người đàn bà ngồi ngắm. Cơn giông nào rồi cũng dừng, người điều khiển ngựa giỏi sẽ xuyên qua chớp đến nơi an lành. Chim nhớ không, tôi sinh ra ở nông thôn và mẹ tôi là nông dân, tôi đã được học  "những bài học nông thôn" từ thuở mới lọt lòng, nên không thể nào chết dưới mưa.

Facebook là một dạng nhật ký ghi lại những chuyện những suy nghĩ diễn ra hàng ngày. Nhưng với nhiều người hình như không phải thế. Vậy câu chuyện tôi sắp ly hôn, khoan hãy buồn bã hay hể hả truyền tai nhau, kẻo mang tiếng hớ... 

Ðỗ Hoàng Diệu 
(Bệnh viện Sharaton sau ngày Giáng Sinh)

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.