Phân tích nụ cười của bà Clinton và cái nghiến răng của ông Trump

Khi các ứng viên tổng thống Mỹ bước lên sân khấu tranh luận lần cuối, không chỉ lời nói mà cả ngôn ngữ cơ thể, cách họ hành động, cũng gây chú ý.

Kịch tính bắt đầu dâng trào ngay từ khi cuộc tranh luận chuẩn bị mở màn, vào thời điểm hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton từ chối bắt tay nhau.

Bắt tay lâu nay vẫn là cách để đôi bên thể hiện sự tôn trọng đối phương và nó từ lâu đã được xem như một giao thức cơ bản trong các kỳ tranh luận tổng thống Mỹ. Song ông Trump và bà Clinton đã phá vỡ quy chuẩn ấy và hành động này chính là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy mối hiềm khích sâu đậm giữa hai người, cây bút Ruth Sherlock từ Telegraph bình luận.

Phân tích nụ cười của bà Clinton và cái nghiến răng của ông Trump ảnh 1

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton xuất hiện tại phiên tranh luận tổng thống cuối cùng tối 19/10. Ảnh: New York Times.

Thái độ không mấy thiện cảm mà ông Trump và bà Clinton dành cho nhau xuất phát từ thực tế họ đang ở hai đầu chiến tuyến, cạnh tranh quyết liệt trên đường đua vào Nhà Trắng. Mặt khác, hai ứng viên tổng thống Mỹ thời gian qua cũng liên tục chĩa mũi dùi vào đời tư đối thủ. Ông Trump tập trung khai thác bê bối ngoại tình mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chồng bà Hillary, vướng phải, trong khi cựu ngoại trưởng Mỹ không ngừng chỉ trích việc Trump khoe khoang chuyện sờ soạng phụ nữ và có thái độ coi thường phái yếu.

Theo Sherlock, tỷ phú Trump đã dành 90 phút tranh luận lần ba hành động như một tổng thống đích thực. Ông hạ giọng đáng kể và nhìn chung đã kiềm chế hơn, biết nhẫn nại để chờ tới lượt nói của mình.

Nếu như ở những cuộc tranh luận trước, Trump trông có vẻ chán nản và xao lãng thì trong lần này, ông dường như rất nghiêm túc, giữ một khuôn mặt nghiêm trọng và thể hiện sự tập trung cao độ, lắng nghe từng câu, từng chữ bà Clinton nói.

Trái lại, trong suốt thời gian tranh luận, bà Clinton rất nhiều lần cười đầy ẩn ý. Giới chuyên gia nhận định cựu ngoại trưởng Mỹ đã chọn cách nở nụ cười để thể hiện sự chế giễu đối thủ, đồng thời cho thấy bất kể ông Trump nói hay làm gì bà cũng không tin hoặc không hề quan tâm.

Tuy nhiên, Sherlock cho rằng ở lần đối đầu cuối cùng tại Las Vegas, trước một Donald Trump đã điềm tĩnh hơn, nụ cười của Hillary Clinton đã không phát huy tác dụng, thậm chí phản lại bà.

Trên mạng xã hội Twitter, hàng trăm người đã miêu tả nụ cười ấy là "đáng sợ" và "ghê rợn". Một số người lại đặt câu hỏi vì sao dù bị đối thủ xúc phạm không ít lần, bà vẫn giữ nguyên nụ cười.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích hành vi còn để ý tới việc bà Clinton nhìn xuống bục phát biểu quá nhiều.

"Điều đó cho thấy một sự thiếu chắc chắn", chuyên gia Michael Kelly nhận xét.

"Hillary cần ngước mắt lên. Đối với người Mỹ, thiếu giao tiếp bằng mắt là biểu hiện của nói dối", Gregory Hartley, cựu chuyên gia tư vấn quân sự, bình luận.

Dù mệnh danh là tỷ phú "bạo miệng", Trump vẫn có những phút yếu đuối. Theo Sherlock, những câu trả lời của ông ở phần đầu buổi tranh luận được phát đi bằng một giọng điệu trầm khàn, có lẽ vì nhà tài phiệt New York quá mệt mỏi hoặc bởi ông cảm thấy lo âu.

Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Ryan Foley lưu ý tới những lần ông Trump nghiến răng khi bà Clinton nói. Theo ông, đây là biểu hiện đặc trưng ở người đang cố gắng tìm cách giải tỏa căng thẳng.

Foley còn chú ý tới hành động dùng hai tay ghì chặt bục phát biểu của ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa. "Nếu là một diễn giả, bạn không bao giờ muốn nắm bục phát biểu như thế bởi nó có thể cho thấy sự kiêu ngạo", ông đánh giá.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.