Phận người trong giá buốt: Những người chăm bệnh nhân ở bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong gió lạnh thấu xương, hàng trăm người vẫn dầm mình bám trụ với ghế đá, hành lang mỗi đêm để chăm sóc người nhà đang điều trị trong bệnh viện. Hành trang của họ chỉ vỏn vẹn manh chiếu, vài chiếc áo và chiếc chăn cũ mỏng manh.
Phận người trong giá buốt: Những người chăm bệnh nhân ở bệnh viện ảnh 1

Phía trước Khoa cấp cứu, Khoa đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) hàng trăm người nhà bệnh nhân vẫn túc trực ngóng tin

Vạ vật dưới mái hiên bệnh viện

22h, trước cửa Trung tâm Đột qụy (Bệnh viện Bạch Mai), xe cấp cứu liên tục hú còi đưa người đến cấp cứu. Phía đối diện, dọc hành lang nhà Việt Nhật la liệt người nhà bệnh nhân. Người ngồi, người nằm co ro trong những chiếc chăn mỏng, hướng ánh mắt về cửa Trung tâm Đột quỵ chờ đợi những điều thần kỳ.

Chốc chốc, tiếng bác sỹ từ phía trong vọng ra. “Người nhà bệnh nhân Quế có đây không?” - bác sỹ gọi, không gian như ngưng lại. Anh Thành (42 tuổi ở Hà Nam) vùng dậy, vội vã chạy ra thưa lớn: “Có, có tôi đây!”. Dưới chiếu còn người em trai anh đang nằm gối đầu lên túi quần áo. Thấy Thành đã đứng dậy, anh này lại nằm xuống, thu đôi bàn chân, co ro trong lớp chăn mỏng. Hai anh em Thành vừa đưa mẹ (bệnh nhân Trần Thị Quế) từ Hà Nam lên đây mổ cấp cứu ban sáng.

Sau 10 phút, anh Thành quay trở lại, thở phào nhẹ nhõm. Thấy chúng tôi đến, anh nhổm dậy trò chuyện. “Đêm qua, gió lạnh về, nhiệt độ xuống thấp quá nên mẹ tôi bị đột quỵ. Tôi đưa bà lên bệnh viện đa khoa tỉnh, đến sáng, các bác sỹ ký giấy cho chuyển viện lên đây mổ cấp cứu. Tưởng bà bị nhẹ, chữa trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh, anh em dễ bề xoay xở, ai ngờ, bà bị nặng quá, trở tay không kịp. Tôi vội kéo theo cái chăn mỏng, chiếu mua của người bán rong, vừa tranh thủ chợp mắt chút”, anh Thành cho biết.

Cạnh đó, người em liên tục trở mình vì những cơn gió mang theo hơi lạnh buốt da, cứa thịt thốc qua lớp chăn mong manh. Anh Thành quay lại xoay chăn phủ kín chân cho em, chia sẻ tiếp: “Bác sỹ gọi người nhà mua thuốc đưa vào, may quá mua được ngay. Không ai được ở trong đó cả, tôi nằm tạm đây để ngóng tin, lúc thì mua thuốc, khi mua đồ vệ sinh cho bà. Chưa biết khi nào xong nhưng với bệnh này, có nhanh cũng phải ở đây 20 ngày đến 1 tháng. Trước mắt chúng tôi nằm tạm đây chờ bà mổ xong”.

Phận người trong giá buốt: Những người chăm bệnh nhân ở bệnh viện ảnh 2

Anh Huy (Hưng Yên) ngủ tạm dưới mái hiên nhà xe để ngóng tin người nhà

Anh Thành cho biết, khi nhập viện mổ, bệnh viện yêu cầu gia đình đóng tạm ứng 80 triệu đồng.Không có điều kiện đóng hết nên anh đã xin bác sỹ đóng trước 30 triệu, hứa sẽ thu xếp sau.“Mẹ tôi có bảo hiểm hộ nghèo nhưng những bệnh nặng thế này, tiền bảo hiểm chi trả ít lắm. Tháng 3, năm ngoái, tôi đưa mẹ lên Bệnh viện Việt Đức mổ tim, gia đình cũng liêu xiêu rồi. Giờ lại mổ tiếp…”, anh Thành trầm ngâm.

Gần đó, trên hành lang tòa nhà, anh Ly (quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng đang rải các tấm bìa các-tông, sửa soạn chỗ nghỉ ngơi. Đêm qua, anh cùng người cháu đưa anh trai bị đột quỵ ra đây cấp cứu. Quấn thêm chiếc khăn lên cổ, anh Ly chia sẻ: “Lạnh quá, may hai chú cháu đi còn thay nhau chăm, một mình tôi thì chẳng biết lối nào mà lần. Anh trai tôi bị đột quỵ hôm 20/2, đưa lên bệnh viện huyện, rồi chuyển xuống bệnh viện tỉnh, rồi lại chuyển ra đây đêm qua. Tôi cũng chuẩn bị quần áo rét, chăn ấm nhưng không nghĩ ngủ ở đây rét thế này”, anh Ly nói. Cạnh đó, cháu anh Ly vừa ăn vội xong nắm xôi, nhanh tay trải chiếc chăn chiên, phân công: “Chú nằm trước đi, cháu trực. Có gì cháu gọi”.

Chỉ mong mình… đừng ốm

Càng về khuya gió lạnh càng thổi buốt, người nhà bệnh nhân tản mát dần. Người thì dựng lều trong góc khuất gió, người trải chiếu trên hành lang, người nằm trên băng ghế. Hầu hết họ thiếp đi vì mệt. Dưới mái hiên khu nhà xe Bệnh viện Bạch Mai, người đàn ông trạc 50 tuổi trùm kín chăn, trở mình liên tục vì gió thốc thẳng vào người. Thấy chúng tôi đến, anh nhổm dậy trò chuyện: “Nằm nhắm mắt để đấy chứ lạnh buốt, lại ngóng tin mẹ, tôi chẳng ngủ được”. Anh giới thiệu tên là Huy (sinh năm 1974) quê ở Văn Lâm (Hưng Yên), đưa mẹ (bệnh nhân Đỗ Thị Sỏi 72 tuổi) lên đây mổ từ 10 ngày trước. Từ đó đến nay, anh vật vờ trước cửa khoa, dưới mái hiên nhà để xe của bệnh viện trong giá rét chờ đợi, mong ngóng tin tức từ trong phòng bệnh. “Bà bị ngã hôm Tết, tưởng nhẹ nên lấy thuốc Nam đắp cho bà. Được mấy hôm, do nhiễm trùng, bà đau quá, ngồi không được nên tôi đưa lên đây mổ. Sau khi làm thủ tục, bệnh viện yêu cầu đóng tạm ứng 100 triệu đồng, gia đình vay mượn khắp nơi mới đóng trước 80 triệu đồng. Bác sỹ đang mổ, chưa biết thế nào?”, anh Huy sốt ruột.

Anh Huy cho biết, ngoài tiền đóng để mổ cho mẹ, tiền ăn của hai người trong khu điều trị mỗi ngày cũng tốn hơn 200 nghìn đồng. Anh ở ngoài, ăn tiết kiệm cũng hết ngót 100 nghìn đồng mới đủ no. “Ruộng ở quê đã bị thu hồi hết, hai vợ chồng làm công nhân, mỗi tháng thu nhập 5 - 6 triệu. Giờ nghỉ chăm bà cũng phải thay phiên nhau, nghỉ ngày nào thì bị trừ lương ngày ấy”, anh Huy chép miệng thở dài.

Góc khuất phía sau Trung tâm Đột quỵ đang được anh Trần Quang Tiến (quê ở Lộc Hà, Hà Tĩnh) “chiếm dụng” làm chỗ ngủ để trông bố đang nằm viện. Ông bị bệnh viêm phổi, suy thận, suy tim. Anh Tiến cho biết, hai anh em khăn gói ra đây thay nhau trông bố. “Em trai tôi đang ở trong phòng bệnh để chăm sóc bố, tôi ở vòng ngoài để cần gì thì sẽ tiếp tế vào. Cứ một tuần, hai anh em lại thay nhau 1 lần. Anh em phải thay nhau mỗi tuần vì bệnh viện sẽ test COVID-19 hàng tuần cho mỗi bệnh nhân và người nhà. Nếu vài ngày thay nhau một lần thì không có tiền để test, nên hai anh em đành cố gắng vậy”, anh Tiến chia sẻ. Anh Tiến cho biết thêm, để có thời gian trông bố, anh xin nghỉ việc. Tất nhiên, mức lương công nhân 7 triệu đồng/tháng của anh sẽ bị sụt giảm nhiều, nên mọi chi phí sinh hoạt trong thời gian chăm sóc bố cũng phải tiết kiệm một cách triệt để nhất. “Chẳng dám thuê nhà trọ, vì mỗi đêm cũng mất hơn trăm nghìn mà cũng chỉ ngủ được vài tiếng. Tắm thì vài hôm một lần. Trời ấm thì tắm trong khu vệ sinh của bệnh viện, chỉ những hôm lạnh quá thì ra ngoài tắm nước nóng. Mỗi người mất 10 -15 nghìn/lần tắm”, anh Tiến chia sẻ.

Anh Tiến cho biết, ngày rét thì cứ ngồi im trong chăn “giết” thời gian bằng điện thoại, nắng ấm thì đi loanh quanh trong bệnh viện.

“Những hôm trời ấm thì nằm đâu cũng được, nhưng mấy ngày qua gió rét, mưa lạnh quá, mấy người chúng tôi gom chăn, chiếu cùng nhau tìm góc khuất này để nằm. Cố gắng trụ được qua những đợt mưa rét, mong sao cho mình đừng ốm để chăm bố thôi”, anh Trần Quang Tiến tâm sự và mong bố nhanh khỏi để về nhà đoàn tụ với con cháu.

MỚI - NÓNG