Phần mềm gián điệp: Dễ phát tán, hậu họa khôn lường

Phần mềm gián điệp: Dễ phát tán, hậu họa khôn lường
TP - Tại Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2015 với chủ đề “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại” diễn ra ngày 19/11 ở TPHCM, nhiều chuyên gia cảnh báo, người dùng cần nâng cao cảnh giác khi cài đặt các ứng dụng cho “dế”.

1.001 kiểu phát tán virus, mã độc…     

Theo Tổng Thư ký Hội tin học TPHCM Vũ Anh Tuấn, an toàn an ninh thông tin liên quan thiết bị di động, đặc biệt là các phần mềm nghe lén, đánh cắp dữ liệu cá nhân đang phát triển đến mức báo động. Mới đây, lực lượng công an triệt phá một đường dây chuyên cung cấp phần mềm dịch vụ nghe lén, lấy cắp dữ liệu cá nhân.

Ông Tuấn cảnh báo người dùng điện thoại và các thiết bị di động cần cẩn trọng khi tải những chương trình ứng dụng trên mạng về máy. Rất nhiều phần mềm miễn phí, thậm chí các đối tượng gửi mail chào mời sử dụng thử, nếu không thích thì xóa… Thực tế, người dùng chỉ xóa được phần mềm, còn mã độc, virus núp trong ứng dụng thì không xóa được dẫn đến bị mất dữ liệu.

“Chúng tôi vừa phát hiện một mã độc có xuất xứ từ nước ngoài, sau khi xâm nhập vào máy sẽ tiến hành mã hóa toàn bộ dữ liệu khiến nạn nhân không thể đọc được. Mã độc này có giao thức mã hóa rất mạnh, gần như trên thế giới chưa có giải pháp phá được. Khi nạn nhân bị mã hóa, hacker sẽ gửi thông tin đến máy của nạn nhân đòi tiền chuộc, như phải trả 500 USD trong vòng bảy ngày. Quá bảy ngày phải trả 1.000 USD…

Nhưng, việc trả tiền chuộc không đảm bảo rằng nạn nhân có được tin tặc giải mã hay không. Hiện nay, nhiều máy tính, thiết bị di động ở Việt Nam đang bị nhiễm mã độc này và chưa có cách gì để phục hồi được, nạn nhân phải chấp nhận mất toàn bộ dữ liệu. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu các giao dịch, thanh toán thực hiện qua mạng”, ông Nguyên cho biết.   

Phần mềm gián điệp: Dễ phát tán, hậu họa khôn lường ảnh 1

Chuyên gia nước ngoài giới thiệu thiết bị bảo mật tại Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2015.

Phải tự bảo vệ mình

Theo ông Trịnh Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA), về mặt kỹ thuật, viết các chương trình, phần mềm gián điệp, nghe lén không khó. Cài đặt, phát tán càng dễ dàng hơn, nhất là khi điện thoại hư hỏng được người dùng đem đến các tiệm sửa chữa điện thoại.

Ông Minh cho rằng, luật bảo vệ đời tư, các chế tài xử lý vi phạm có thể áp dụng trong lĩnh vực không gian số, nhưng khó thu thập bằng chứng. Trong không gian số, việc khẳng định người này cài đặt phần mềm gián điệp vào điện thoại người kia đòi hỏi phải có một sự đầu tư rất lớn trong quá trình thu thập chứng cứ vi phạm.

Trong khi đó, cuộc chiến về mặt công nghệ không có hồi kết và kẻ tấn công luôn luôn đi trước các chuyên gia an ninh mạng một bước. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại, người dùng thiết bị di động cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ mình.

“Khi sản xuất sản phẩm, nhà sản xuất bao giờ cũng quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin cá nhân cho người sử dụng. Vì vậy, việc đầu tiên phải tuân thủ là sử dụng đúng các chức năng của sản phẩm. Nếu chúng ta cho mở khóa, bẻ khóa, các phần mềm gián điệp xâm nhập càng dễ dàng hơn”, ông Minh nói.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, người dùng chỉ nên tải về máy những phần mềm có độ tin cậy cao của những nhà sản xuất có uy tín. Ông Nguyễn Hữu Nguyên khuyến cáo người dùng không nên lưu trữ những thông tin quan trọng, nhạy cảm trong điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh, có nối mạng internet. Ngoài ra, chủ nhân điện thoại hạn chế đưa máy của mình cho người khác, kể cả tiệm sửa điện thoại bởi chỉ cần vài phút là có thể cài đặt phần mềm gián điệp.

 “Việc cài đặt hệ điều hành điện thoại không quá phức tạp, người sử dụng có thể tự học cách cài đặt và tự làm sẽ tốt hơn”, ông Nguyên cho biết. Theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cisco Việt Nam, tổn thất do tấn công an ninh mạng trên thế giới mỗi năm từ 375 - 575 tỷ USD. Mỗi ngày, Cisco ngăn chặn khoảng 320 triệu cuộc tấn công mạng trên thế giới.

Bắt ba nghi can cung cấp phần mềm nghe lén

Ngày 18/11, Bộ Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ba nghi can, gồm: Lê Kim Đính (33 tuổi, trú tại TPHCM), Lê Đức Anh (24 tuổi) và Nguyễn Văn Cao (28 tuổi, trú tại Hà Nội) và tiếp tục triệu tập nhiều đối tượng liên quan đường dây cung cấp phần mềm nghe lén, theo dõi qua điện thoại. 

Theo điều tra ban đầu, từ năm 2012, các nghi can mua phần mềm nghe lén, theo dõi, đánh cắp dữ liệu trong điện thoại do nước ngoài sản xuất để bán và lập nhiều website để quảng cáo, chào mời. Những người có nhu cầu liên lạc và được hướng dẫn cách cài đặt phần mềm. Mỗi khách hàng phải trả 1,5 triệu đồng/tháng. 

Điện thoại được cài đặt phần mềm theo dõi sẽ hoạt động ẩn, tự động chuyển dữ liệu ghi âm cuộc gọi, nhắn tin, chat qua các phần mềm, hình ảnh… về trang chủ do nước ngoài tạo lập. Người mua được cung cấp một tài khoản, mã bí mật để truy cập trang web chuyên dùng, từ đó có thể kiểm tra, hoặc tải dữ liệu về. 

Cơ quan công an xác định có hàng nghìn người trên phạm vi cả nước sử dụng dịch vụ nghe lén của đường dây nói trên.

Sẽ gây tâm lý bất an trong dân

“Bạn hãy hình dung, một ngày nào đó, bạn nhận được lời chào hàng qua thư điện tử của các cơ sở kinh doanh. Trong thư, họ ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, cơ quan làm việc, thậm chí là nơi ở của bạn trong lá thư đó. Cảm giác của bạn đầu tiên là gì? Tôi cho là hoang mang hơn là vui mừng và quan tâm tới lá thư chào mời đó. Khi hoạt động này nở rộ, tôi có thể khẳng định, nó sẽ tạo ra sự bất bình trong dư luận, thậm chí nhiều người sẽ có cảm giác bất an khi cuộc sống đời tư bị can thiệp thô bạo. Xét về căn nguyên, có cầu mới có cung. Nghĩa là, nhu cầu thông tin đang thường trực ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề. Người làm ăn cũng mong có thông tin của đối thủ, rồi gần gũi hơn, đó là các mối quan hệ hôn nhân. Tôi từng chứng kiến có người bỏ ra cả trăm triệu đồng để tìm đến công ty thám tử tư, với mục đích theo dõi chồng mình có léng phéng với các bồ nhí hay không. Và chỉ trong thời gian ngắn, họ đã có những thông tin cá nhân của người khác một cách bất hợp pháp. Đây là một hiện tượng xã hội hết sức lo ngại.

Tiến sỹ tâm lý Dương Thị Loan, Đại học Luật Hà Nội

Quản lý lỏng lẻo giúp nghe lén có cửa sống

“Tôi vừa gõ từ khóa “bán phần mềm nghe lén điện thoại ” trên mạng Google, chỉ mất 0,34 giây đã có 412.000 kết quả, với hàng ngàn trang web liên quan. Cách đây không lâu, tôi có dịp đi công tác ở một tỉnh phía Đông Bắc, thấy họ kinh doanh công khai các dịch vụ nghe lén. Tại khu vực chợ giáp biên, khi tiếp cận các ki-ốt bán điện thoại, tôi được chào mời cả tá các phần mềm gián điệp, nghe lén điện thoại với giá rất “mềm”. Theo tôi, việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng sẽ góp phần không nhỏ giúp cho các loại hình kinh doanh này có cửa sống. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các thiết bị điện tử, trong đó có các phần mềm hỗ trợ ghi âm cuộc gọi cũng góp phần làm phát tán thông tin, bí mật đời tư...”.   

Luật sư Nghiêm Diệu ThúyĐoàn Luật sư Hà Nội

Bảo Thắng (ghi)

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.