Phân loại sức khỏe phạm nhân khi mới vào trại để tổ chức lao động, dạy nghề phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Cung cấp môi trường giam giữ an toàn và chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy và phạm nhân khuyết tật”, là một trong năm chuyên đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41).

Hội nghị do Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng Bộ Công an tổ chức, diễn ra từ ngày 12/11 - 16/11/2023.

Tại chuyên đề này, Ban tổ chức APCCA cho biết, ở nước ta số phạm nhân khi đưa vào thi hành án tại các trại giam mang theo nhiều loại bệnh nguy hiểm chiếm tỷ lệ cao như: Lao phổi, HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C... đặc biệt là phạm nhân rối loạn tâm thần, có tiền sử nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với cộng đồng.

Phân loại sức khỏe phạm nhân khi mới vào trại để tổ chức lao động, dạy nghề phù hợp ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Để tổ chức lao động dạy nghề phù hợp, những phạm nhân mới vào trại giam sẽ thăm khám, phân loại sức khỏe. Sau khi sàng lọc, người biểu hiện rối loạn tâm thần hoặc có tiền sử sử dụng chất ma túy được bố trí khu vực giam giữ riêng có lắp camera giám sát 24/24. Phân công những phạm nhân có sức khỏe, thái độ cải tạo tiến bộ để trực buồng, dọn vệ sinh, chia khẩu phần hàng ngày.

Ngoài ra, trại cử thêm cán bộ quản giáo có kinh nghiệm, cán bộ y tế theo sát, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cơ bản để nhận định, đánh giá tình trạng sức khỏe, đưa ra hướng điều trị.

Song song với quá trình đó, trường hợp điều trị không có kết quả, các trại giam đề nghị TAND cấp tỉnh (nơi đơn vị đóng quân) ra quyết định yêu cầu trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định pháp luật…, có kết sẽ thực hiện theo chỉ định của tòa án.

Phân loại sức khỏe phạm nhân khi mới vào trại để tổ chức lao động, dạy nghề phù hợp ảnh 2

Sản phẩm giỏ đan do phạm nhân làm trong trại tạm giam.

Theo Ban tổ chức APCCA, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị y tế, thuốc men còn hạn chế, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Bộ Công an và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế,… bước đầu các trại giam của Việt Nam đã thu được kết quả khả quan.

Cụ thể, 100% phạm nhân đều được đảm bảo, chăm sóc sức khỏe; được khám, điều trị các bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Môi trường sinh hoạt của họ được đảm bảo an toàn; đảm bảo vệ sinh, sạch, đẹp; an toàn thực phẩm; không có chất ma túy sử dụng trái phép trong trại giam.

Đối tượng mắc lao/HIV, HIV/AIDS tại các trại không bị phân biệt đối xử, được điều trị thuốc ARV và 100% các trại giam tổ chức tầm soát thường xuyên các bệnh lao phổi, lao/HIV, lao kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm khác,… khi phát hiện bệnh thì cách ly sớm, điều trị theo phác đồ.

Riêng phạm nhân mắc bệnh rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi được chăm sóc, điều trị theo đơn của bác sĩ dưới sự giám sát của lực lượng y tế.

Ban tổ chức APCCA cho rằng có được kết quả như trên nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung và nhất quán từ Bộ Công an; Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan y tế địa phương; huy động các nguồn lực trong, ngoài ngành và các tổ chức Quốc tế.

Ngay trong trại tạm giam cũng có quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, chung tay hỗ trợ phạm nhân. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan y tế trong ngoài ngành như Cục Y tế Bộ Công an, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện tâm thần Trung ương… tranh thủ sự giúp đỡ về máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn từ các tổ chức quốc tế như: Quỹ toàn cầu, tổ chức AHF, tổ chức UNODC.

MỚI - NÓNG