Phần Lan quyết định gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ Phần Lan vừa chính thức công bố kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong cuộc họp nội các, Tổng thống Sauli Niinisto và các bộ trưởng “nhất trí rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO".
Phần Lan quyết định gia nhập NATO ảnh 1

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (phải) và Thủ tướng Sanna Marin (trái) họp báo ngày 15/5 về quyết định gia nhập NATO. Ảnh: Reuters

"Hôm nay, tôi và Ủy ban Chính sách đối ngoại của chính phủ đã cùng nhau quyết định rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO", Tổng thống Niinisto nói với các phóng viên từ Phủ Tổng thống ở Helsinki.

Báo cáo về tư cách thành viên dự kiến của Phần Lan sẽ được trình lên Quốc hội sau phiên họp của chính phủ.

Trước đó, ông Niinisto đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/5 để thông báo về kế hoạch tham gia NATO của Phần Lan. Đáp lại, ông Putin nói rằng động thái này sẽ làm tổn hại đến quan hệ Nga - Phần Lan.

"Đây là một quyết định mang tính lịch sử. Điều quan trọng nhất là sự an toàn của Phần Lan và các công dân của chúng tôi. Quyết định này sẽ giúp củng cố an ninh và hợp tác giữa các nước Bắc Âu", Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói.

Thủ tướng Marin cho biết thêm rằng bà mong Quốc hội Phần Lan “thông qua quyết định về việc gia nhập NATO với quyết tâm và trách nhiệm”.

Phần Lan quyết định gia nhập NATO ảnh 2

Phần Lan và Thụy Điển cùng lúc bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập NATO, khiến Nga tức giận. Ảnh: The Economist

Việc kết nạp Phần Lan vào NATO sẽ cần sự đồng ý của tất cả 30 quốc gia thành viên, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Phần Lan Niinisto cho biết ông sẵn sàng hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau khi Ankara phản đối việc các nước Bắc Âu gia nhập NATO. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

Phần Lan có chung đường biên giới trên bộ dài 1.340 km với Nga và từng xung đột với Liên Xô vào năm 1939.

Cả Thuỵ Điển và Phần Lan đều đã là đối tác của NATO, đã tham gia các cuộc tập trận của đồng minh trong nhiều năm và từ bỏ quan điểm trung lập nghiêm ngặt khi cùng nhau gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995. Ở thời điểm đó, Stockholm và Helsinki vẫn giữ quan điểm hoà bình chỉ có thể được duy trì khi các nước không công khai chọn bên.

Cách đây vài tháng, việc gia nhập NATO vẫn là một viễn cảnh xa vời đối với cả Thuỵ Điển và Phần Lan. Nhưng việc Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến cả Stockholm và Helsinki phải nghĩ lại về nhu cầu an ninh, và chuyển sang tìm kiếm sự an toàn trong liên minh mà họ đã đứng ngoài suốt những năm diễn ra Chiến tranh Lạnh.

Nga đã cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan về "những hậu quả nghiêm trọng”, và đe doạ nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh đến vùng Kaliningrad nếu Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO.

Sau khi các nhà lãnh đạo Phần Lan tuyên bố quyết tâm tham gia NATO, Điện Kremlin đã gọi đây là một động thái thù địch đe doạ Nga, đồng thời cảnh báo một cách mơ hồ về "các bước trả đũa kỹ thuật và quân sự".

Theo Reuters, RT
MỚI - NÓNG