Phân bón Phú Mỹ tiếp tục đồng hành cùng chương trình 'Bác sĩ nông học'

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Bác sĩ nông học”- diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, xúc tiến thương mại, bảo vệ thực vật và sử dụng phân bón cho bà con nông dân trên cả nước.

Từ ngày 7/7 đến 15/7/2023 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT cùng Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) đã phối hợp với Hội nông dân tại các địa phương tổ chức chương trình “Bác sĩ nông học”.

Đây là chương trình được tổ chức thường niên gồm chuỗi hội thảo tư vấn và đối thoại trực tiếp giữa chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học và người nông dân nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, xúc tiến thương mại, bảo vệ thực vật và sử dụng phân bón.

Phân bón Phú Mỹ tiếp tục đồng hành cùng chương trình 'Bác sĩ nông học' ảnh 1

Bác sĩ nông học giải đáp các thắc mắc, câu hỏi của bà con nông dân tham gia chương trình

Năm nay, chương trình được tổ chức tại 6 địa điểm trong 3 tỉnh thành gồm: huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền (Cần Thơ); huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre); huyện Phú Tân, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang).

Tham dự các chương trình có các ông bà đại diện cho Trung tâm XTTM Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo các chi cục, Trung tâm trực thuộc sở Nông nghiệp, Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT các địa phương cùng gần 2.000 bà con nông dân tiêu biểu, chủ trang trại, hợp tác xã, Câu lạc bộ nông dân…

Ban tư vấn “bắt bệnh” trong chương trình “Bác sĩ nông học” năm nay là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, gắn liền với bà con nông dân và địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: PGS.TS Châu Minh Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ - Chuyên gia về cây trồng, thổ nhưỡng nông hóa; TS. Phạm Kim Sơn - Phó Trưởng khoa Bảo vệ thực vật, trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ - Chuyên gia về Bảo vệ thực vật; TS. Nguyễn Văn Bắc - Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Thạc sỹ Phạm Quý Ninh – Chuyên gia về phân bón của PVFCCo….

Phân bón Phú Mỹ tiếp tục đồng hành cùng chương trình 'Bác sĩ nông học' ảnh 2

Các nông dân tham dự chương trình được cung cấp các thông tin nông nghiệp hữu ích

Trong chương trình, hàng trăm câu hỏi đa dạng trong các lĩnh vực từ cơ chế, chính sách ngành nông nghiệp đến các thắc mắc trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, phòng ngừa sâu bệnh, sử dụng phân bón …. đã được bà con nông dân các huyện gửi tới các chuyên gia, nhà khoa học thông qua hình thức hỏi - đáp trực tiếp.

Ban tư vấn chương trình đã giải đáp mọi thắc mắc của bà con nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chuyên gia còn giới thiệu cho bà con về các loại phân bón, hướng dẫn phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật và giả cũng như tư vấn giải đáp các vấn đề liên quan hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường đối với các mặt hàng nông sản.

Đồng thời trong các chương trình bà con đã được nghe PVFCCo giới thiệu, tiếp cận, hướng dẫn sử dụng bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ sao cho hiệu quả nhất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực.

Phân bón Phú Mỹ tiếp tục đồng hành cùng chương trình 'Bác sĩ nông học' ảnh 3

Tặng quà cho người trả lời đúng các câu hỏi trong chương trình

Các “Bác sĩ nông học” của chương trình cũng biên soạn các tài liệu phù hợp với tập quán sinh hoạt và chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi tại từng địa phương và gửi đến bà con tham gia chương trình. Đây thực sự là nguồn tư liệu quý, giúp ích cho bà con nông dân trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, giúp người nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương thức lao động, giảm tải chi phí đầu vào…

Qua nhiều năm được tổ chức, chương trình “Bác sĩ nông học” đã khẳng định là một diễn đàn khuyến nông uy tín, chia sẻ một cách hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp đặc biệt trong lúc chúng ta đang hướng đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

MỚI - NÓNG