Phân bổ vốn đầu tư công: Nguy cơ tốc độ 'rùa bò'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần hết quý 1 nhưng vẫn còn tới 50% bộ ngành, địa phương chưa phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Vẫn lý do muôn thuở được đưa ra: chậm giải phóng mặt bằng, chờ quyết định thay đổi vốn đầu tư, thiếu vật liệu xây dựng.

Nguy cơ chậm giải ngân vốn đầu tư công, kéo tụt tăng trưởng hoàn toàn có thể xảy ra nếu các địa phương vẫn duy trì tình trạng hiện nay.

Gần 50% bộ ngành, địa phương chưa phân bổ vốn

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công Chính phủ giao bộ ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tới gần 660.000 tỷ đồng. Nhưng đến gần hết quý 1/2024 vẫn còn 20/44 bộ, cơ quan Trung ương và 38/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn được giao.

Phân bổ vốn đầu tư công: Nguy cơ tốc độ 'rùa bò' ảnh 1

Dự án đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long chậm tiến độ vì thiếu vật liệu xây dựng. (Ảnh minh họa)

Trong đó, có hơn 6.000 tỷ đồng vốn trong nước chưa được phân bổ. Hơn một nửa vốn của 10 bộ, 9 địa phương dự kiến cho dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Hơn 900 tỷ đồng của bộ ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang trình Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn. Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến nay chưa gửi quyết định phân bổ vốn.

Dù là đơn vị được giao đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công nhưng Bộ Tài chính vẫn còn gần 1.100 tỷ đồng vốn chưa phân bổ do đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn.

Theo thống kê, các địa phương chưa phân bổ vốn lớn như: Hưng Yên còn 6.564 tỷ đồng, Bắc Ninh 1.548 tỷ đồng; Long An 1.107 tỷ đồng. TPHCM chưa phân bổ do dự kiến bố trí vốn cho dự án đường sắt đô thị số 1. Tỉnh Cao Bằng báo cáo chưa có dự án để bố trí vốn.

Các lý do chậm giải ngân từ nhiều năm nay như vướng mắc đấu thầu, đàm phán hợp đồng, vẫn khiến 1.200 tỷ đồng vốn vay nước ngoài “nằm im” chờ người nhận.

Lý giải về việc số địa phương bộ ngành chậm phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, các địa phương báo cáo chậm phân bổ vốn chủ yếu do chưa có quyết định phê duyệt dự án, lũy kế vốn vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Để đẩy nhanh tốc độ phân bổ vốn, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi một loạt địa phương đề nghị giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng theo tiến độ, tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Các địa phương cũng phải khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù.

Báo động dự án trọng điểm lại thiếu vật liệu

Theo Bộ Tài chính, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công, có 92.900 tỷ đồng bố trí cho dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, tốc độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm vẫn chậm. Điển hình như tốc độ giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ. Việc di dời đường điện cao thế khó khăn, chậm trễ trong khi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 và dự án cải tổ Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa hoàn thành chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa.

Một trong những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa được giải quyết là tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp, cát, đá. Bộ Tài chính dẫn ví dụ, tại Đồng bằng sông Cửu Long đang cần khoảng 56 triệu m3 cát, gần 7 triệu m3 đá cho dự án cao tốc, chưa kể nhiều công trình, dự án tại địa phương đang cùng triển khai trong khi cơ chế đặc thù khai thác vật liệu xây dựng thông thường vẫn vướng mắc, chưa được tháo gỡ.

Theo đại diện tỉnh Đồng Tháp, dù có hướng dẫn của Bộ TN&MT về áp dụng cơ chế đặc thù, tuy nhiên, nhiều nội dung còn chưa rõ hoặc mỗi tỉnh có cách hiểu chưa đồng nhất khi đi vào chi tiết về trình tự thủ tục. Điều này khiến địa phương lúng túng khi cấp phép khai thác. Địa phương cũng mong muốn có sự phối hợp trách nhiệm giữa bộ, ngành địa phương khi áp dụng cơ chế đặc thù.

Tình trạng dự án cấp bách nhưng phải chờ cơ chế đã được báo Tiền Phong phản ánh qua việc dự án trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long “lụt” tiến độ vì thiếu cát xây dựng. Nhiều công trình trọng điểm phải dừng thi công, máy móc đắp chiếu vì thiếu vật liệu. Lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị bộ ngành phối hợp thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến dự án trọng điểm bị chậm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công là tiền đề, quyết định tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng quy định pháp luật nhưng nhiều địa phương phân bổ vốn sớm, giải ngân vốn tốt. Trong khi, không ít địa phương khác “xí phần” vốn rồi chưa phân bổ chi tiết sẽ tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.

“Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng chậm phân bổ vốn đầu tư công. Việc phân bổ vốn, giải ngân vốn phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tránh tình trạng, vốn đầu tư công “nằm kho” tiềm ẩn nguy cơ lãng phí”, ông Long kiến nghị.

Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước giải ngân gần 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 8,7%. Vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân đồng vốn đầu tư công nào. Còn gần 50% bộ ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết dự án vốn đầu tư công.

MỚI - NÓNG