Luật sư Phạm Chí Công – Luật sư Điều hành Cty Luật Khai Phong (Hà Nội) trả lời:
Theo quy định tại Điều 66, Bộ Luật Lao động, trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động là khoản nợ được ưu tiên thanh toán. Liên quan đến vấn đề này, Luật Phá sản cũng quy định 2 quyền cơ bản của người lao động như sau:
Thứ nhất, người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 14). Theo đó trong trường hợp doanh nghiệp không trả được lương, các khoản nợ khác cho người lao động và nhận thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì người lao động cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án đối với doanh nghiệp mà không phải nộp tiền tạm ứng phí phá sản.
Trong Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, người lao động phải nêu rõ số tháng bị nợ tiền lương, tổng số tiền lương và các khoản nợ khác mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được cho người lao động. Sau khi nộp đơn, đại diện hợp pháp cho người lao động hoặc đại diện công đoàn được coi là chủ nợ.
Thứ hai, về quyền lợi của người lao động khi thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp thì việc phân chia giá trị tài sản (còn lại) của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự sau đây: (i) Phí phá sản, các khoản nợ có bảo đảm; (ii) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động; (iii) Các khoản nợ không có bảo đảm.
Mọi thắc mắc, đề nghị được tư vấn xin gửi về Tienphongtraloi@gmail.com hoặc Ban Ban đọc, Báo Tiền Phong- 15, Hồ Xuân Hương, Hà Nội. |