Phải trả tiền khi tải nhạc trên mạng
> Google cho phép tìm kiếm và tải nhạc có bản quyền
Thông tin trên được công bố sáng 15-8, tại Tọa đàm Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty cổ phần Tập đoàn MV (MVCorp) phối hợp tổ chức.
Các website âm nhạc lớn ký Thỏa thuận hợp tác thu phí trực tuyến. Ảnh: C.T. |
Buổi tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên lĩnh vực internet và di động; đồng thời tạo ra các dịch vụ âm nhạc có thu phí với chất lượng cao, đầy đủ bản quyền.
RIAV chính thức công bố MVCorp là đối tác duy nhất đại diện cho hiệp hội trong việc quản lý quyền trên lĩnh vực internet và điện thoại di động. Tại buổi tọa đàm, MVCorp và các website âm nhạc lớn như: Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn (24h), Socbay.com, Nghenhac.info, Go.vn, đại diện các nhà mạng Viettel, MobiFone, đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) ký Thỏa thuận hợp tác cho vấn đề thu phí nhạc trực tuyến. Theo đó, các website này sẽ đồng loạt thu phí vào ngày 1-11 tới với mức phí là 1.000 đ/bài hát, hoặc thu theo thuê bao hằng tháng (việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí). Mỗi cá nhân muốn tải nhạc phải tạo tài khoản, nạp tiền vào và nhà mạng sẽ trừ tiền mỗi lần tải; hoặc thanh toán bằng thẻ cào, qua nhắn tin SMS, trừ tiền trực tiếp vào tài khoản di động.
Chỉ mới có 5/150 trang cho phép tải nhạc ký kết thu tiền tải nhạc, nhưng như bà Thu Dung, hãng Rạng Đông, nói: “Đó là những website lớn nhất, “đầu nậu” nhất hiện nay, nắm được những trang này là quá tốt rồi, những trang cò con kia nhất định sẽ biết sợ nếu có xử lý thích đáng”.
Theo thông tin tại buổi tọa đàm, nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên internet và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây và hiện các hãng băng đĩa đã tê liệt hoạt động, chỉ nhận phát hành cho những album mới do ca sĩ đầu tư mà không sản xuất album mới nào vì nắm chắc phần thua lỗ.
Để tiến hành xử lý quyết liệt những vi phạm về bản quyền, Thông tư liên tịch số 07 của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ VH-TT-DL vừa được ký, có hiệu lực từ ngày 6-8-2012, trong đó có nêu sẽ truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người sử dụng mạng xã hội trực tuyến có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và xử phạt 500 triệu đồng theo Nghị định 47. Đông đảo nghệ sĩ và hãng băng đĩa có mặt tại buổi tọa đàm rất phấn khởi trước sự kiện này và tin tưởng VN sẽ làm được việc thu phí bản quyền âm nhạc trực tuyến, như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc đã làm được.
Theo Phan Cao Tùng
Thanh Niên