Phải phát hiện tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị (ảnh TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị (ảnh TTXVN)
TPO - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Nội chính T.Ư ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; đồng thời giám sát “phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng”.

Tái lập Ban Nội chính là đúng đắn

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tham nhũng được ngăn chặn, đang từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. “Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của Ngành Nội chính nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng”, Tổng Bí thư,  Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời khẳng định “chủ trương tái lập Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ là đúng đắn”.

Phải phát hiện tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng ảnh 1 Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính (ảnh TTXVN)

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong 5 năm qua, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Ban Chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Riêng 87 vụ án, 78 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 47 vụ/634 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm.

Nhiều vụ án vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm cũng đã được xem xét xử lý như: Vụ án về Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn II); vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Trần Phương Bình; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án Hứa Thị Phấn, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như trong công tác tham mưu như chưa sâu, chưa đi đến cùng; tham mưu, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn "tham nhũng vặt" hiệu quả chưa cao; ở một số lĩnh vực, địa phương công tác phòng, chống tham nhũng chưa chuyển biến mạnh mẽ...

Chống “tham nhũng vặt”, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản

Về nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư đề nghị Ban Nội chính tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng".

Phải phát hiện tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng ảnh 2 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến dự Hội nghị ngành Nội chính (ảnh TTXVN)

Ban Nội chính tăng cường tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Có bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không?… “Các đồng chí phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Nội chính tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh…

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, Ban Nội chính cần tham mưu chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, trong đó “phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng”.

Ngoài ra phải chủ động phối hợp, tham mưu cho Đảng kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hoá, biến chất; không để lọt vào quy hoạch nhân sự đại hội đảng các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, sai trái, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.

MỚI - NÓNG