Phải ngăn xe 'điên' ngay từ trường lái

Phương tiện ngày càng hiện đại nhưng chất lượng đào tạo lái xe không theo kịp. Ảnh: Bảo An.
Phương tiện ngày càng hiện đại nhưng chất lượng đào tạo lái xe không theo kịp. Ảnh: Bảo An.
TP - Lãnh đạo các trường đào tạo lái xe và cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT bày tỏ hy vọng việc đào tạo riêng lái xe số tự động sẽ kéo giảm nạn xe “điên”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu không có sự thay đổi căn bản để cải thiện tình trạng đào tạo lái xe hời hợt, nặng về hình thức, nhiều tiêu cực như hiện nay, nạn xe “điên” vẫn sẽ tái diễn...

Đào tạo lái xe số tự động

Là Chủ tịch Trung tâm Dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe Đông Đô (trung tâm dạy lái quy mô lớn ở Bắc Ninh), ông Trần Văn Toản thảng thốt trước những vụ tai nạn “điên loạn” gần đây. “Dao để trong bếp dùng để thái rau, cắt quả nhưng rơi vào tay tội phạm thành hung khí giết người. Ô tô cũng vậy, bình thường là phương tiện nhưng vào tay những người không kiểm soát được hành vi lại là công cụ giết người”– ông Toản nói.

Một nghịch lý đang tồn tại là xe càng hiện đại lại càng dễ “điên”. Ông Toản cho hay, trước đây, lái xe vào số, nhấn ga một lát, xe mới di chuyển; nay, hầu hết xe mới là xe ga, chỉ mớm chân đã vọt, rất nguy hiểm. Chính vì nghịch lý này, ông Toản đã đề nghị (đã được Bộ GTVT tiếp thu), lập chương trình riêng đào tạo lái xe số tự động. “Tháng 4 tới, chúng tôi tiến hành sát hạch khóa lái xe số tự động đầu tiên. Học viên được học, thực hành ngay trên xe số tự động; khắc phục lỗi nhầm chân ga với chân phanh; mong rằng xe điên sẽ giảm” – ông Toản nói.

“Đào tạo lái xe mô tô ở các nước phức tạp hơn cả lái xe ô tô. Học viên đi phía trước, thầy dạy lái ở phía sau, liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Khi thi, họ cũng kiểm tra trên đường giao thông chứ không chỉ đơn giản là đi trên một vòng số 8 vẽ giữa sân” 

Ông Nguyễn Đàm Văn

Ngoài đào tạo lái xe số tự động, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái Tổng cục Đường bộ cho hay, trong thông tư do Bộ GTVT ban hành về đào tạo, sát hạch lái xe (Thông tư 58/2015/TT-BGTVT) có điểm mới đáng chú ý: Khâu sát hạch đường trường sẽ áp dụng công nghệ chấm điểm tự động. “Một người lái xe tốt nghiệp phải lái được xe trên đường giao thông. Cách thi này sẽ kiểm tra khả năng lái của học viên chính xác, ngăn các hành vi tiêu cực của sát hạch viên” – ông Quân nói.

Tuy nhiên, ông Quân thừa nhận, tuy Bộ GTVT liên tục cải tiến chương trình, tăng cường các biện pháp quản lý nhưng việc cắt xén chương trình đào tạo hay tiêu cực tại các cơ sở đào tạo vẫn xảy ra. Tiền Phong cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng bát nháo của các trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Sân tập tạm bợ, cắt xén chương trình (cả thực hành và lý thuyết)... Thậm chí, tình trạng các sát hạch viên lấy tiền lót tay của học viên (trong xe khi thực hiện sát hạch đường trường) đã trở thành “lệ” trong quá trình thi, lấy bằng lái xe lâu nay.

Nhập khẩu mô hình nước ngoài

Như Tiền Phong phản ánh, sau những vụ xe điên gần đây, không ít chuyên gia đề nghị có sự thay đổi cơ bản trong đào tạo sát hạch lái xe bằng cách học tập trực tiếp các nước tiên tiến. Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, một chuyên gia giao thông từng học và lái xe ở Anh Quốc cho rằng: Chương trình đào tạo lái xe cần được thực hiện qua các giáo cụ trực quan, gắn liền với các tình huống trên đường; đặc biệt phải siết chặt đầu ra bằng cách chấm điểm học viên thông qua trải nghiệm thực tế.

Cụ thể, ông Minh đề nghị, thi thực hành phải ít nhất 45 phút trên các dạng đường khác nhau (phố nhỏ, đường đông trong nội thành và đường cao tốc) thay vì chỉ thi vỏn vẹn 2 km đường thông thoáng như hiện nay.

Một người đang chuẩn bị “nhập khẩu” mô hình đào tạo lái xe từ nước ngoài về Việt Nam là ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Hãng xe Văn Minh. Ông Văn từng ở Đức 5 năm. Cuối năm 2015, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Đức, ông Văn xin đăng ký đi cùng và ở lại tìm hiểu mô hình dạy lái xe của Đức, dự kiến sẽ xin mở trường đào tạo tại Nghệ An theo mô hình này.

Ông chủ hãng xe nhận thấy, khác biệt lớn nhất trong chương trình đào tạo của Đức là chú trọng đến việc giảng dạy các quy tắc giao thông. “Họ dạy ý nghĩa của từng loại biển báo bằng các dụng cụ trực quan; khi đi xe, gặp biển báo nào, thầy giáo sẽ hướng dẫn cho người học có phản ứng phù hợp. Chẳng hạn, khi gần đến đèn đỏ, thầy giáo sẽ dạy cho học viên quan sát từ xa để giảm tốc độ; khi gặp biển báo có tuyết, đường trơn trượt, họ dạy cho học viên không được đạp phanh gấp, dễ trượt xe” – ông Văn nói.

Việc chú trọng đến khả năng tự “xoay xở” của người lái được đặc biệt chú trọng trong quá trình học. “Ở ta, trên xe học lái chỉ có một kính chiếu hậu được quay sang phía thầy giáo. Khi sang đường, thầy bảo rẽ là rẽ, học viên không được nhìn thấy có gì phía sau. Trong khi đó, việc trang bị thêm một kính chiếu hậu không khó khăn gì” – ông Văn nói.

Về sát hạch, cấp bằng, ông Văn cho hay: “Ở Đức, lúc tập, xe gắn biển tập lái; khi thi biển đó được tháo ra. Trên đường thi, nếu học viên bị xe phía sau bấm còi 2 lần (vì vi phạm luật giao thông), giáo viên sẽ “chúc anh lần sau thi tốt hơn”. Việc một học viên 7 năm mới được cấp bằng ở Đức là bình thường” – ông Văn nói.

MỚI - NÓNG