Phải khắc phục được bất cập số liệu thống kê

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại phiên họp ngày 11/3. Ảnh: H. Phúc.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại phiên họp ngày 11/3. Ảnh: H. Phúc.
TP - Ngày 11/3, thảo luận tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), một số ý kiến nhấn mạnh: Luật Thống kê (sửa đổi) cần khắc phục được những bất cập, thiếu chính xác của số liệu thống kê - vì đây là con số làm cơ sở xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Luật Thống kê (sửa đổi) cần quy định sao cho số liệu thống kê phải chính xác, khách quan. Ví dụ cách tính chỉ tiêu tăng GDP ra sao, chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp… số lượng, chất lượng ra sao, nhưng chưa thấy quy định trong luật này. Theo Chủ tịch QH, Luật phải quy định những chỉ tiêu quốc gia nào cần thống kê, phương pháp, cách tính, cơ quan nào tính, số liệu nào là chính thức, ai công bố?

Tất cả đều phải đưa vào luật. Đồng thời, cần có sự thống nhất thống kê của Việt Nam với quốc tế,  khắc phục những bất cập trong thống kê thời gian qua. “Phải khắc phục tình trạng con số không tin cậy. Bộ chỉ tiêu thống kê của ta phải phù hợp với thông lệ thế giới, được thế giới thừa nhận. Nếu ta thống kê mà các nước họ không dùng thì hỏng”, Chủ tịch QH nêu rõ.

Chỉ ra tình trạng nợ công, nợ xấu, nợ ngân hàng “mỗi người nói một phách”, Chủ tịch QH nhấn mạnh: Trước đây thống kê không chính xác bây giờ có Luật này phải chính xác, minh bạch, nhất là những chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, bởi đây là những chỉ tiêu rất quan trọng.

Cơ quan thống kê độc lập?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ những căn cứ tại dự thảo có khả năng đảm bảo tính chính xác của số liệu thống kê. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lưu ý, cần gỡ nút bất cập thời gian qua, quy định cụ thể hơn để số liệu thống kê chính xác. Theo ông Dũng, phải ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ, minh bạch và sử dụng thông tin thống kê hiệu quả. “Nếu làm tốt việc thống kê, chúng ta không chỉ tiết kiệm chi phí thống kê, giảm biên chế mà còn có khả năng cung cấp dịch vụ, kiếm ra tiền từ ngành này”, ông Dũng phát biểu.

“Qua theo dõi, chúng tôi thấy hằng năm con số tạo việc làm mới không đáng tin cậy, GDP tăng trưởng 5 hay 6% việc làm mới tạo ra vẫn đóng đinh là 1,6 triệu, năm nào cũng thế”. 

Bà Trương Thị Mai

Dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê, trình Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống tổ chức thống kê tập trung. Tuy nhiên, một số ý kiến tại UBTVQH đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan thống kê, địa vị này phải đảm bảo có sự độc lập, từ đó mới có thể yên tâm về tính chính xác, khách quan của số liệu. “Có ý kiến để thống kê là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ, có ý kiến thuộc Bộ KH&ĐT, hoặc thuộc QH. Bộ KH&ĐT vừa xây dựng kế hoạch, vừa tổng kết kế hoạch, vậy để Bộ nắm cơ quan này thì có khách quan không, có ảnh hưởng tới độ chính xác thông tin thống kê? Nên tham khảo các nước, xác định vị trí cơ quan này ở đâu là phù hợp”, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, Luật mới sẽ khắc phục những bất cập chênh lệch số liệu - cái bức xúc nhất mà xã hội, QH có ý kiến. Dự thảo Luật cũng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xây dựng hệ thống chỉ tiêu, thống kê của Trung ương, của các bộ ngành, địa phương. “Làm rõ để không chồng chéo, làm mạch lạc theo thông lệ quốc tế, khắc phục chênh lệch số liệu; GDP cũng sẽ được thống kê có chất lượng hơn. Chất lượng thống kê có nhiều yếu tố quyết định, kể cả đạo đức thống kê, cho nên cần đi vào chất lượng, sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng thống kê”, ông Vinh nói.

Về địa vị pháp lý, theo Bộ trưởng Vinh, thực tế đã có nhiều lần cơ quan này nhập vào tách ra khỏi Bộ KH&ĐT. “Nếu để độc lập thì hay hơn, nhưng nằm ở đâu? Chúng tôi thấy thuộc Bộ KH&ĐT là tốt nhất vì hoạt động thống kê là độc lập, số liệu từ các tỉnh, bộ ngành đưa lên, không ai chọc vào làm gì. Tôi không nghĩ là để thống kê thuộc Chính phủ hay thuộc Bộ KH&ĐT thì khách quan hơn. Ở một số nước, thống kê thuộc Bộ KH&ĐT, Chính phủ…Có nước thuộc QH. Nhưng ở nhiều nước tiên tiến, cơ quan này thuộc Bộ Kinh tế (giống Bộ KH&ĐT)”, ông Vinh cho biết.

Áp lực vì số không đẹp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói  bản thân ông cũng từng được trưng tập đi làm thống kê, thực tế cũng có sự cắt gọt con số từ sổ này sang sổ kia. “Tôi thấy cần quy định làm sao để thống kê có sự độc lập thì yên tâm hơn. Ngay cả dưới các địa phương, khi làm số liệu cũng có áp lực lắm, số liệu đưa lên không đẹp, báo cáo không giòn giã thì không được. Chúng ta cần quy định để số liệu thống kê công khai minh bạch, có thể chia sẻ thông tin thống kê”, ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói, con số thống kê quốc gia phải chính xác, phải có người chịu trách nhiệm. “Qua theo dõi, chúng tôi thấy hằng năm con số tạo việc làm mới không đáng tin cậy, GDP tăng trưởng 5 hay 6% việc làm mới tạo ra vẫn đóng đinh là 1,6 triệu, năm nào cũng thế. Rõ ràng con số Bộ LĐ,TB&XH đưa ra không chính xác và Tổng cục Thống kê đã lấy để làm số liệu quốc gia”, bà Mai nói.

Nói về thống kê không chính thức (dự thảo luật không quy định), bà Mai cho biết: Có số liệu doanh nghiệp tự điều tra, công bố - đó là thống kê không chính thức, nhưng rất ảnh hưởng tới xã hội, vậy mà không ai chịu trách nhiệm. “Nếu không quy định trong Luật thì quản lý số liệu đó ra sao, cần phải có văn bản quản lý”, bà Mai kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.