Phải huy động tinh hoa xã hội đóng góp

Các đại biểu Quốc hội khóa XII trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu Quốc hội khóa XII trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 2, khóa XI là xem xét chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Tiền Phong đã trao đổi với GS-TS Trần Ngọc Đường, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội.

> Chuẩn bị tốt cho việc sửa đổi Hiến pháp

Các đại biểu Quốc hội khóa XII trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu Quốc hội khóa XII trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Nhiều điểm tiến bộ trong Hiến pháp 1946

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lập hiến như thế nào, thưa ông?

Ngay khi chưa giành được chính quyền, chưa có nhà nước kiểu mới thì tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đời và được thể hiện rất sâu sắc. Tư tưởng đó đã hình thành ngay từ năm 1919, trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm gửi Hội nghị Versailles, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người dân bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu.

Người cũng đòi thay chế độ ra sắc lệnh bằng các đạo luật dân chủ và tiến bộ hơn. Sau đó, trong Bản yêu sách gửi cho Hội Vạn quốc ngày 30-8-1926, ký tên cùng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị, “nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi sẽ sắp xếp một nền hiến pháp về phương diện chính trị, xã hội theo như những lý tưởng dân quyền”.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước kiểu mới ra đời, ngay trong phiên họp Chính phủ lâm thời đầu tiên ngày 3-9-1945, Người đã đặt ra một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải có một bản hiến pháp dân chủ. Trong Hiến pháp năm 1946 đã có những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến lúc đó.

Cụ thể những tư tưởng tiến bộ trong Hiến pháp năm 1946 là gì, thưa ông?

Bác Hồ là tác giả của bản hiến pháp đầu tiên này. Người chủ trương phải tổng tuyển cử để bầu Quốc hội lập hiến. Nội dung của bản Hiến pháp năm 1946 với rất nhiều tư tưởng tiến bộ. Đó là, khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; thiết kế bộ máy nhà nước thông qua việc xây dựng một chính quyền mạnh.

Một điểm độc đáo là, trong chương thứ nhất là chương chính thể thì chương hai đã quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Có thể nói từ nội dung cho đến kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp năm 1946 chứa đựng rất nhiều tư tưởng tiến bộ.

Ngoài ra, quy trình sửa đổi hiến pháp cũng rất tiến bộ, ví như, Điều 70 Hiến pháp 1946 quy định, sửa hiến pháp khi có 2/3 tổng số đại biểu nghị viện yêu cầu. Nghị viện bầu ra Ban dự thảo hiến pháp. Những điều sửa đổi trong hiến pháp sau khi nghị viện ưng chuẩn thì sau đó phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

GS-TS Trần Ngọc Đường
GS-TS Trần Ngọc Đường.
 

Kiểm soát quyền lực nhà nước

Vậy hiện nay muốn sửa Hiến pháp thì bao gồm những yêu cầu gì, thưa ông?

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt vấn đề khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thông thường, sửa hiến pháp là phải phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn, thể chế hóa đúng ý nguyện của nhân dân.

Trước hết, là thể chế hóa đúng đắn những tư tưởng cơ bản, quan trọng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong Cương lĩnh và các văn kiện của Đại hội Đảng XI có những tư tưởng rất mới. Vì vậy, lần này nếu sửa hiến pháp, thì chúng ta phải thể chế hóa quan điểm mới về kiểm soát quyền lực được ghi trong cương lĩnh.

Cụ thể, hiến pháp sửa đổi phải thể chế hóa việc kiểm soát quyền lực giữa các yếu tố cấu thành quyền lực nhà nước như thế nào; giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp ra sao? Đảng lãnh đạo nhà nước thì Đảng phải kiểm soát quyền lực nhà nước ra sao? Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước thì kiểm soát quyền lực nhà nước bằng những phương thức nào?...

Một yêu cầu nữa là, phải huy động được đông đảo nhân dân tham gia sửa đổi hiến pháp. Đặc biệt, phải huy động được những tinh hoa đất nước, như các nhà khoa học, chính trị, quản lý, văn hóa, kinh tế…đóng góp sửa đổi hiến pháp.

Sửa đổi hiến pháp còn là một cuộc sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong cả nước. Đây là dịp để nhân dân thể hiện ý nguyện của mình trong hiến pháp, cũng là dịp để nhân dân hiểu biết hiến pháp, sau khi hiến pháp được sửa sẽ đi ngay vào cuộc sống.

Ngoài ra, hiến pháp là đạo luật gốc, mang tính chất chính trị, pháp lý sâu sắc nên phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, từ BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Đảng đoàn…để bản hiến pháp sửa đổi có chất lượng tốt, phục vụ cho thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Năm 2013 mới thông qua

Ông có thể cho biết cụ thể quy trình sửa đổi hiến pháp ra sao?

Từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội… đều có quyền đưa sáng kiến sửa đổi hiến pháp. Trên cơ sở ý nguyện đó, Đảng khởi xướng và lãnh đạo quá trình này. Sau khi có nghị quyết của Đảng, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban này có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và dự thảo văn bản sửa đổi hiến pháp để trình các cơ quan hữu quan.

Sau khi Quốc hội thảo luận một bước về hiến pháp sửa đổi thì theo quy trình hiện nay phải lấy ý kiến nhân dân. Thời gian lấy ý kiến nhân dân ít nhất là 6 tháng. Sau đó, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến nhân dân, trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét.

BCH T.Ư trong các hội nghị sẽ có sự chỉ đạo chặt chẽ. Bản hiến pháp muốn thông qua phải được 2/3 đại biểu Quốc hội tán thành. Như vậy để thấy, quy trình sửa hiến pháp khác với quy trình làm luật, chặt chẽ hơn, đòi hỏi dân chủ cao hơn, rộng rãi hơn.

Nếu theo đúng quy trình sửa đổi thì thời gian để bản hiến pháp sửa đổi được thông qua là bao lâu?

Theo tôi sớm nhất cũng phải cuối năm 2013 Quốc hội mới thông qua được. Trên cơ sở bản hiến pháp sửa đổi, mới tiến hành sửa các luật về tổ chức như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Ngọc Tiến thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG