“Cái đẹp của hồ Gươm là mềm mại, tự nhiên, mà nếu làm vuông vức hóa thì tạo ra sự thách thức. Hồ Gươm đẹp tự nhiên, đưa cái gì chính quy vào là không hợp đâu”, ông Kính nói.
Không tác động mạnh đến môi trường
Thưa ông, quận Hoàn Kiếm hiện đang có dự án cải tạo, chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm, trong đó, hiện đang xin ý kiến về việc kè lại bờ hồ Gươm. Ông nghĩ sao về điều này?
Cải tạo hồ Gươm là việc lớn. Tôi nghe nói thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã, đang chuẩn bị làm. Còn việc tạm gọi kè bờ hồ Hoàn Kiếm là việc khác chỉ một phần việc của dự án cải tạo. Cho nên phải tách biệt nó ra chứ không phải là một. Thứ hai về thuật ngữ, tạm gọi kè thôi chứ thực ra đây không phải là kè mà làm bức tường ngăn giữa phần đất và phần mặt nước của hồ Gươm. Vì sao tôi không dùng chữ kè, bởi người ta chỉ kè khi có dòng chảy, mặt nước nó tác động rất mạnh đến vùng đất bao quanh. Hồ Gươm là dạng như ao, hồ, lưu lượng nước không có sự vận động mạnh nên tác động yếu, nhưng vẫn có ảnh hưởng đến bờ đất xung quanh. Ở đây mặt nước tương đối yên ổn, tương đối tĩnh nên không đến mức phải xây kè. Kè là một kết cấu rất bền chắc để hạn chế sự tác động của nước gây ra sự biến động hình dáng và diện tích của vùng đất xung quanh.
Quan điểm của tôi, khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc rồi tháp Bút, tháp Rùa, rồi khu vực lân cận. Làm sao cố gắng để sự can thiệp không tác động mạnh đến môi trường.
Mỗi khi có việc cải tạo, chỉnh trang hồ Gươm thì đều nhận được rất nhiều ý kiến của dư luận xã hội. Ông có thể phân tích về việc này?
Khoảng đầu thế kỷ 20 thì hồ Gươm vẫn chỉ là cái ao lớn của một khu phố mà hiện nay chúng ta gọi là khu phố cổ. Nó như mỗi cái làng ở Bắc Bộ ngày xưa có cái ao to. Ngày xưa, khu vực phố cổ có nhiều dòng sông, có nhiều dòng nước chảy, khác rất nhiều so với bây giờ. Cái mà chúng ta thấy hiện nay được kiến tạo từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Trừ khu vực đền Ngọc Sơn làm từ cuối thế kỷ 19, còn xung quanh, sát quanh Hồ, từ đường đi lối lại, rặng cây, kiến trúc xung quanh hồ Gươm thì đều hình thành vào đầu thế kỷ 20 và gắn bó với nhau chặt chẽ, kiện toàn như hình dạng hiện nay. Nó có dáng vẻ riêng, không chính quy lắm, có tính chất hồ phố, là chuyển tiếp mềm giữa phố tây và phố ta. Đó là vẻ đẹp riêng của hồ Hoàn Kiếm. Rồi kiến trúc xung quanh cũng rất khiêm nhường. Chẳng hạn như phố Hàng Khay, cây cối không trồng theo kiểu công viên mà trồng một cách tự nhiên, các cây dân dã như cây gạo, cây si... Nó mang tính từ làng quê lên. Nó tạo ra sự tự nhiên, gần gũi.
Trước thực tế hiện nay có những nơi đã có tường vách chưa được ăn nhập với nhau, tôi nghĩ cần phải xây một tường vách để đảm bảo cho sự bền vững, ổn định của bờ hồ và tránh sự xâm nhập của nước.
Giữ được hình dáng tự nhiên bờ hồ
Ý kiến của ông về phương án mà như quận Hoàn Kiếm đang xin ý kiến?
Tôi đọc xong phương án quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu thấy có mấy cái có thể gọi là hấp dẫn hơn. Tôi không phải là nhà kỹ thuật mà chỉ là nhà kiến trúc, bảo tồn. Ưu điểm thứ nhất, phương án này về mặt công nghệ là không phải làm móng, thứ hai không phải thoát nước. Nghe nói đơn vị này từng làm kè biển, thế thì cấu kiện rất đồ sộ, nhưng ở hồ Hoàn Kiếm, họ đã đưa ra giải pháp sử dụng bê tông đúc sẵn, vát, nghiêng về phía mặt nước, có kích thước bề ngang một mét, chỉ nén xuống, không phải làm móng, không phải thoát nước, có thể làm dần dần vòng quanh hồ, và không phải là một công trường lớn.
Có cái tốt nữa, vì bề ngang của mỗi tấm cấu kiện chỉ có 1 mét và làm cong theo đúng độ cong của hiện trạng, nên giữ được hình dáng tự nhiên vốn có của bờ hồ. Cái đẹp của hồ Gươm không vuông vức, nếu bây giờ làm vuông vức hóa thì tạo ra sự thách thức, sự quen thuộc bị mất. Ví dụ ở chỗ những cây ngả xuống mặt hồ, nếu làm bê tông cốt thép thì buộc phải kè, nhưng các cấu kiện chỉ 1 mét ấn xuống thì đảm bảo sự tự nhiên, linh hoạt trong việc ứng xử với đường nét bờ hồ hiện nay.
Ông có gợi ý gì cho quận Hoàn Kiếm và đơn vị nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ này?
Khi dùng thành phần bê tông đúc sẵn có chiều ngang là một mét, tôi có mấy gợi ý. Thứ nhất là không làm cao hơn đường đi hiện nay, để nó chuyển tiếp rất tự nhiên xuống hồ. Thứ hai là tuân thủ tuyệt đối đường nét đã hình thành, phải giữ cái đẹp quen thuộc, gần gũi của hồ Gươm. Bề mặt của lớp bê tông vát xuống mặt hồ nên làm sần để tạo độ mềm nhất định và tạo điều kiện để rêu phong qua thời gian.
Cảm ơn ông!