Kè Hồ Gươm: Cần sự đối xử sang trọng, tinh tế

Những đoạn bờ kè sụt lún nguy hiểm sát mép nước Hồ Gươm cần giải pháp xanh và hiệu quả. Ảnh: MẠNH THẮNG
Những đoạn bờ kè sụt lún nguy hiểm sát mép nước Hồ Gươm cần giải pháp xanh và hiệu quả. Ảnh: MẠNH THẮNG
TP - Vừa qua báo Tiền Phong đã thông tin về chủ trương kè Bờ Hồ của thành phố Hà Nội. KTS Trần Huy Ánh - từng góp ý về phương án dùng bê tông đúc sẵn kè Hồ Gươm - trao đổi với Tiền Phong làm rõ hơn câu chuyện này.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng sụt lún của đường đi sát mép nước Hồ Gươm?

Việc sụt lún sát mặt nước chỉ là phần nhìn thấy thôi, còn diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn cho nên nhiều tháng nay UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm cũng cảnh báo người dân và du khách. Đây là một trong những tình huống bình thường: Đường đi dạo ven hồ tỉ lệ thay đổi nhiều, gần hồ có những công trình lớn đào móng rất sâu ảnh hưởng về địa chất. Các công trình xây dựng quanh Hồ Gươm phải thận trọng là vì thế. Nó giống như câu chuyện nhà Ga C9 mà các nhà khoa học, chuyên gia nhiều lần đề cập.

Hà Nội đưa phương án kè Hồ Gươm, theo ông phương án như thế nào cho thích hợp với di tích quốc gia đặc biệt này?

Hiếm thành phố nào mà giữa khu dân cư đông đúc lại có mặt nước tĩnh lặng, sang trọng và giá trị thế này. Đây là kỳ công của các nhà quy hoạch, sự vun đắp của người Hà Nội qua hàng thế kỷ biến những ao tù trở thành hồ cảnh quan rất thú vị. Cho nên biện pháp tác động và can thiệp thiết kế đô thị và thi công đều phải hết sức thận trọng.

Hồ Gươm luôn luôn được bồi đắp, tuy nhiên chúng ta cần cố gắng giữ được vẻ tự nhiên. Rất nhiều lần Hà Nội có các biện pháp từ thô sơ cho tới kiên cố hơn. Những đoạn bờ kè này vẫn còn khá thô sơ nhưng đảm bảo được sự ổn định khá lâu dài, khoảng 20 năm nay. Gần đây chúng tôi được mời thảo luận và đánh giá một phương án kè do một đơn vị tư vấn và thiết kế đô thị của Pháp thực hiện, người ta vẫn giữ chiều nghiêng hiện tại và làm sang trọng hơn, có chỗ trồng cỏ để trả lại màu xanh tự nhiên và gần gũi với mặt nước và thảm cỏ trên mặt đất hơn.

Ông có thể nói cụ thể hơn về phương án kè đảm bảo yếu tố sang trọng cho Hồ Gươm? Sự sang trọng đó thể hiện ở những tiêu chí cụ thể nào?

Tiêu chí đầu tiên phải tự nhiên. Làm sao cho có bờ cỏ nhưng bờ cỏ phải đủ chắc vì tiếp xúc mặt nước. Việc đi dạo xung quanh tần suất cao hơn những chỗ khác, tải trọng của người đi bộ cũng cao hơn, vì vậy nếu làm bờ kè sát mặt nước người ta sử dụng cây cối hay thậm chí thảm cỏ có kết cấu khá bền chặt, thủy sinh có bộ rễ sâu để giữ được bề mặt tự nhiên giữa mặt đất và mặt nước.

Người ta hạn chế sử dụng những chất liệu như bê tông, sắt thép thậm chí đá khiến cảnh quan trở nên khô cứng. Sử dụng các chất liệu này thể hiện sự can thiệp thiếu cân nhắc, kiên cố hóa làm cho cảnh quan không còn vẻ tự nhiên duyên dáng của đường cong khi tiếp xúc mặt nước. Công trình kiên cố hóa thường ở trường hợp công trình có nhịp độ vận chuyển cao, công trình cơ khí hoặc bờ cảng. Điều này nên tránh ở hồ cảnh quan như Hồ Gươm.

Hà Nội đang đề xuất phương án dùng những tấm bê tông đúc sẵn nặng hơn tấn cắm thẳng xuống mặt nước để kè hồ. Theo ông, phương án này có đảm bảo những tiêu chí thân thiện môi trường hay giữ được tính sang trọng của di sản Hồ Gươm?

Khối bê tông nặng hàng tấn, với khối tích đó muốn ổn định trên nền đất yếu phải có nền móng. Chính vì vậy việc thi công khá phức tạp, phải nạo vét để làm nền móng rất nặng nề trong quá trình thi công và tồn tại lâu dài. Nếu họ chỉ thả xuống và lấp đất xung quanh như thế rất nguy hiểm vì vật nặng tiếp tục sụt lún. Có nhiều cách vẫn đảm bảo an toàn giữ cảnh quan tốt hơn. Hồ Gươm xứng đáng được suy nghĩ và cân nhắc thận trọng để có giải pháp tốt. Hồ Gươm không giống bờ ao hay bờ mương, không phải nơi vùi đống bê tông ở nơi vốn rất cần sự tinh tế để giữ cân bằng giữa tĩnh lặng, ồn ào.

Đúng như ông nhận xét, chúng ta sở hữu di sản Hồ Gươm đáng quý trong lòng đô thị, tuy nhiên phương án nhà ga C9 Hà Nội lựa chọn đang có cửa xuống cách rất gần Tháp Bút. Nếu Hà Nội khăng khăng giữ phương án đó liệu chúng ta còn giữ được di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm?

Sự nguy hiểm của công trình cơ khí, công nghiệp như thế trong cảnh quan lịch sử cân bằng mong manh giữa đất và nước, giữa ồn ào và tĩnh lặng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Dự án đó vừa vi phạm luật di sản, vừa thiếu trách nhiệm của con người. Chỉ có mỗi lí do duy nhất là sự cẩu thả đi kèm với những cam kết vu vơ, đại ngôn. Ngay khi tiếp xúc dự án đó, các nhà khoa học địa chất cũng ngỡ ngàng.

Hà Nội đang hướng tới đô thị thông minh, phải chăng vì thế cần thực hiện bằng được việc đặt nhà ga C9 ở cạnh Bờ Hồ?

Đô thị thông minh hay kinh tế thông minh giúp con người ta trong điều kiện ngặt nghèo nhất, thiếu thốn nhất phải vượt lên để làm cho thịnh vượng hơn, không phải bào mòn giá trị di sản vì những điều tầm thường. Việc làm nhà ga là việc dân dụng, là bài toán đơn giản trong thiết kế đô thị chứ không phải đánh đổi tất cả. Người ta có nhiều phương án, bài toán để thu hút khách và giảm chi phí. Những người soạn thảo dự án từ đầu đến cuối giữ nguyên quan điểm, đó là sự lười biếng. Lười biếng như thế không thể có sự thông minh được. Những người phản đối phương án C9 là những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Chúng tôi từng chất vấn đơn vị thiết kế rằng tại sao không thực hiện ở Nhật mà đem giải pháp nguy hiểm đó đến Việt Nam, câu trả lời không có.

Cảm ơn ông!

Theo ông nên ứng xử với Hồ Gươm thế nào cho đúng và đẹp hơn?

Ðể làm nên cái đẹp phải cân nhắc các giải pháp tinh tế thể hiện tài năng chứ không phải dựa vào những lời hứa vu vơ, võ đoán. Chúng ta phải lựa chọn giải pháp can thiệp vào thiên nhiên tối thiểu nhất, nhưng lại đạt được hiệu quả về thiên nhiên và kiến trúc. Tất cả biện pháp chạy theo lợi nhuận, thành tích, chạy theo giá trị tầm thường đánh đổi giá trị mà ông cha ta vun đắp nhiều đời đều cần suy nghĩ lại.

Cảnh báo về nhà ga C9

Xung quanh di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm, không chỉ có chuyện chỉnh trang khu vực phụ cận mà còn nóng dự án nhà ga ngầm. Hà Nội đang xin ý kiến về nhà ga C9 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị 2. Bộ VHTTDL có 8 văn bản liên quan câu chuyện thiết kế và thi công nhà ga C9 ở Hồ Gươm, mới nhất là văn bản hồi đầu tháng 10. Hiện nay phương án nhà ga C9 mà Hà Nội chọn nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm. Ðây là công trình giao thông không phải “công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích”, vì thế công trình đang vi phạm điều 32 Luật Di sản văn hóa.

Phương án thiết kế cho thấy thân ga cách Tháp Bút 36m, đường hầm chạy dưới lòng đất chỉ cách chân Tháp Bút 1m. Bộ VHTTDL cảnh báo, việc thi công buộc phải di dời toàn bộ cây xanh trong khu vực này ở ven hồ, đào đất theo biện pháp đào hở sâu khoảng 20m và làm rào chắn, thi công xong mới hoàn trả mặt bằng di tích. Quá trình này nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường, văn hóa và sinh thái của khu vực, ảnh hưởng tới di tích xung quanh như nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu.

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu để chỉnh hướng tuyến vị trí nhà ga và các công trình phụ trợ để đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi tới di tích trong khu vực, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, đảm bảo hài hòa phát triển với cảnh quan, đạt được sự đồng thuận của cộng đồng.

Kè Hồ Gươm: Cần sự đối xử sang trọng, tinh tế ảnh 1 KTS Trần Huy Ánh
MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.