>'Văn chương, văn hóa, lịch sử sẽ được định đoạt sòng phẳng'
> Cuộc đối thoại của hai cá tính
> Suy tưởng, Giấc mơ, Viết…
Lê Minh Khuê viết “thù hận làm đời ta ngắn lại” (trong truyện vừa “Nhiệt đới gió mùa”, về những vết thương lòng trong cuộc chiến tranh vừa qua). Còn anh viết: “Vợ chồng cãi nhau/Rồi lại làm hòa/Bạn bè ghét nhau/Rồi lại làm hòa/Các nước đánh nhau/Rồi lại làm hòa/Chỉ riêng chúng ta/Là làm ngược lại”. Thơ của anh có một mảng quan trọng về hòa giải?
Đôi khi đọc lại thơ mình, tôi thấy trong đó có sự tha thứ. Tinh thần cốt lõi của hòa giải là tôn trọng sự thật và tha thứ. Tha thứ cho người khác và cho chính mình.
Đó không phải là một quyết định trong một lúc, đó là một tình trạng, một cảnh huống. Tôi tin rằng ai đã đến được tình trạng ấy, sẽ sáng suốt hơn, trưởng thành hơn. Một dân tộc đến được cảnh huống ấy sẽ đi một bước dài trên con đường tiến hóa.
Tôi có hai người bạn thân là anh em ruột cùng xóm, người em học cùng lớp, người anh trên một lớp. Sau năm 1972 người anh vào Nam đi lính Thủy quân lục chiến, người em ở lại trở thành đội trưởng du kích. Cả hai đều tham gia trận đánh tại thành cổ Quảng Trị, tất nhiên là ở hai chiến tuyến, và đều tử trận. Chị có nghĩ rằng nếu còn sống, hai người bạn ấy của tôi sẽ có mong ước hòa giải với nhau, trở về bắt tay nhau, ôm lấy nhau mà khóc, hay không?
Tôi nghĩ là có.
Ở đây hình như hai chữ hòa giải chúng ta hay dùng chưa diễn tả hết đòi hỏi sâu xa của tình tự dân tộc.
265 câu hỏi của anh dành cho Trần Nhuận Minh trong “Đối thoại văn chương” được Vũ Quần Phương đánh giá là rất tế nhị nhưng cũng rất truy kích; và anh rất biết cách truy kích đến đâu là vừa. Còn Nguyễn Quang Thiều lại cho rằng anh vẫn hơi tế nhị quá, đang đà truy kích thì lại dừng vì lo âu cho Trần Nhuận Minh và những điều khác. Anh Thiều và Nguyễn Trọng Tạo muốn anh phải đập vỡ hơn nữa những cấn cái, phải đi tới tận cùng, bóc tới lõi của củ hành. Có lẽ “bóc” nữa sẽ rất khó nhiều bề, như thế này là cũng là ghê lắm rồi?
Như chị nói, nhà phê bình Vũ Quần Phương đã chỉ ra tính chất cuộc đối thoại, đó là sự đi tìm rất xa, mà anh gọi là truy kích, các sự thật của cá nhân và cộng đồng. Sau khi lắng nghe những nhận xét của các anh Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Lai Thúy, Đặng Thân, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Châu Hồng Thủy, tôi cũng nhận ra rằng lẽ ra phải “đập vỡ hơn nữa” những lớp vỏ bọc sự thật, đối lập và so sánh nhiều hơn.
Nguyễn Trọng Tạo và Hữu Thỉnh thì nhấn mạnh sự gợi mở của cuốn sách đối với công việc giao hòa, đối thoại, cảm thông giữa trong nước và ngoài nước, và các phía khác nhau của lịch sử. Nói cho cùng tuy là tác phẩm chung, nhưng khuyết điểm của cuốn sách bao giờ cũng thuộc về người phỏng vấn, tức là tôi, người dẫn chuyện và biên tập.
Cách đây nhiều năm nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã để cho nhân vật của ông suy nghĩ thế này vào thời khắc tháng 4/1975: “Hy vọng đây là lần đổ máu cuối cùng. Để lại sống trong hòa thuận. Bởi vì chẳng bao giờ một người đánh cá Phan Thiết lại nghĩ phải đi giết chết người thợ sơn tràng Bắc Giang và ngược lại”. Thế nhưng tiến trình hòa giải sau gần 40 năm vẫn chỉ là nhúc nhích? Có lẽ đành phải nhờ vào các nhà văn- những người từng làm được cuộc hòa giải Việt- Mỹ bằng văn chương?
Tôi đã đi với Dương Tường, Trần Thị Trường, Khánh Phương xuống thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn, và khi trò chuyện tôi tin rằng ông thành thật nghĩ như nhân vật của ông. Hàng triệu người Việt chúng ta cũng nghĩ như thế. Ai cũng muốn hòa bình, sum họp, đoàn viên. Dân tộc chúng ta đã mất mát, đổ máu, đau thương quá nhiều. Nhưng trên thế giới từng có thứ hòa bình công lý, vì vậy mà bền vững, và hòa bình không công lý, vì vậy mà không bền vững.
Hòa giải khởi đầu từ sự thật và công lý, nhưng lại vẫn có thể đi trước một bước để mở ra những sự thật khác. Vì vậy, tôi nghĩ, bước đầu, vai trò của nhà nước hiện nay là rất lớn. Vì hòa giải chính trị là hòa giải cao nhất. Trước đây, một số nhà văn nhà thơ trong nước và hải ngoại đã làm, họ rất cô đơn, nhưng về lâu dài, tôi tin rằng số lượng của họ sẽ nhân lên, họ sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa.
Hòa giải thực sự là khi bạn bắt đầu biết yêu thương một người xa lạ, người ấy từng có lúc chính là bạn.
Như thế thì, tôi nghĩ, đó phải là công việc vui nhất của một dân tộc, của một đời người. Phải không?
Thơ Nguyễn Đức Tùng Hòa giải dân tộc Anh giận vợ Khi anh về Anh thở phào Sau chuyến nghỉ hè Sau chuyến nghỉ hè xa Tôi đứng tim trong tối Một người ngồi ở góc nhà Có người đấm ngực thở dài Phục kích đứa em trai Tôi đứng nín thở, chờ họ tắt đèn Cánh tay dài như cây cọ Tôi bước vào nhà: không có ai Không ngớt rung lên |
Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, hiện định cư ở Canada, là bác sĩ, nhà thơ, dịch giả, viết phê bình. Trước Đối thoại văn chương anh có Thơ đến từ đâu, đối thoại với một số nhà thơ nổi tiếng trong nước và hải ngoại. Tạ Duy Anh người biên tập Thơ đến từ đâu đánh giá đây là một cuốn sách chứa trong nó nhiều cuốn sách, ít nhất có thể kể ra 5 cuốn: Một cuốn sách về thơ. Một cuốn sách về nhân cách của nhà thơ. Một cuốn sách về văn hóa. Một cuốn sách về sự hòa giải và tha thứ. Một cuốn sách về tình yêu nước Việt. |