Việc canh tác cây mía giúp gia đình chị Trương Thị Vy (dân tộc Thổ), ở xóm Đại Thành, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá. Đầu năm 2021, khi được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp huyện Quỳ Hợp triển khai mô hình: “Trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía trồng mới”, chị và 5 hộ nông dân ở trong xóm đã tham gia trên diện tích 4ha.
“Để tận dụng trên cùng diện tích đã canh tác mía, gia đình đã trồng xen canh thêm cây họ đậu gồm cây lạc và cây đậu. Được hỗ trợ về giống, phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuân thủ theo đúng quy trình từ khâu trồng đến chăm sóc cho cả 2 loại cây, toàn bộ diện tích trồng xen đều phát triển tốt, góp phần mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình”, chị Vy chia sẻ.
Sở KHCN Nghệ An đầu tư triển khai mô hình xen canh cây họ đậu trong ruộng mía trồng huyện Quỳ Hợp. |
Chị Vy nhẩm tính, gia đình có 20 sào mía, trước kia mỗi năm thu nhập được 6-7 chục tấn mía, nay trồng xem kẽ lạc với đậu mỗi năm thu nhập thêm vài tạ lạc, vài tạ đậu. Tổng thu nhập trồng xen lạc với đậu thì mùa thu hoạch vừa qua tăng thêm gần 20 triệu đồng.
Những năm gần đây, mía là cây trồng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp. Tuy nhiên, do độc canh nên diện tích đất trồng mía chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. Mặt khác, việc trồng mía trong thời gian dài đã khiến cho đất trở nên cằn cỗi làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây mía.
Nhờ trồng xen canh nên đất trồng mía tơi xốp, màu mỡ, giữ được độ ẩm ruộng mía và hạn chế cỏ dại, tăng thêm nguồn thu nhập, giúp người dân có nguồn thu để “lấy ngắn nuôi dài”. Tuy mới được thực hiện với quy mô nhỏ, song mô hình thực sự đã mở ra hướng mới cho bà con trồng mía trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Điều quan trọng, mô hình giúp bà con nơi đây dần thay đổi thế sản xuất độc canh truyền thống. Hiện, mô hình đã được nhân ra diện rộng ở nhiều địa phương vùng nguyên liệu mía như: Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Tam Hợp,...
Chị Trương Thị Vy thu hoạch đậu trong ruộng mía. |
Ông Trịnh Hữu Hiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết, các mô được thực hiện trên địa bàn huyện đã mang lại một hướng đi mới cho bà con trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài hiệu quả về kinh tế thì việc thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực.
"Mô hình đã thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hoá. Người dân biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi; chủ động thức ăn trong chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi sạch, an toàn. Đồng thời biết trồng xen canh, đa canh để cải tạo đất, phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Mô hình đã mở ra sinh kế bền vững cho bà con các địa phương miền núi ở Quỳ Hợp”, ông Hiến cho hay.