Theo đó, huyện Như Xuân đã rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm để xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế để chuyển giao cho người dân. Với cách làm trên, huyện Như Xuân đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Điển hình như mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Trịnh Đăng Hoàng, thôn Hợp Thành, xã Bình Lương cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình ông Trịnh Đăng Hoạch, xã Bình Lương cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình ông Hoàng Ngọc Năm, xã Hóa Quỳ cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm...
Nhiều hộ dân ở xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. |
Ngoài ra, để khuyến khích các mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển, từ đó nhân rộng, chuyển giao cho người dân, nhất là hộ nghèo, huyện Như Xuân ban hành nhiều đề án đẩy mạnh phát kinh tế lâm nghiệp, trong đó nhiều đề án đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế, như: Đề án cải tạo vườn tạp đến năm 2020; trồng rừng gỗ lớn; chuyển đổi đất trồng sắn, mía có độ dốc cao sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn...
Bên cạnh đó, huyện Như Xuân cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho hộ gia đình phát triển mới diện tích trồng cam; 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu bò; 15 triệu đồng/trang trại chăn nuôi hỗn hợp và 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi dê...
Từ những mô hình giảm nghèo đã giúp cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện Như Xuân từng bước thay đổi, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.