Phá giá Nhân dân tệ có thể khơi mào cuộc chiến tiền tệ

Các nước đang lo Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nội tệ. Ảnh: Business Insider.
Các nước đang lo Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nội tệ. Ảnh: Business Insider.
TP - Ngân hàng trung ương của Trung Quốc hôm qua nói rằng, tin đồn cơ quan này sẽ đánh tụt 10% giá trị đồng Nhân dân tệ là “không có cơ sở”. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại Trung Quốc có thể tiếp tục giảm giá Nhân dân tệ, ảnh hưởng thương mại, đầu tư toàn cầu, khơi mào cho chiến tranh tiền tệ trong khu vực.

Tỷ giá cần ổn định để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời giúp người dân tăng niềm tin vào đồng nội tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng trong ba ngày 11, 12 và 13/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của nước này, liên tiếp điều chỉnh giảm tỷ giá Nhân dân tệ so với đô la Mỹ.

Ba mức cắt giảm trong ba ngày liên tục khiến đồng Nhân dân tệ bị hạ giá ở mức kỷ lục từ khi Trung Quốc lập nên hệ thống hối đoái hiện đại năm 1994, với đồng nội tệ khi đó bị hạ giá đến 33%.

Theo các nhà kinh tế học, ngay cả khi đồng Nhân dân tệ ổn định, nhiều chỉ số kinh tế yếu và sự kỳ vọng vào khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong các tháng cuối năm sẽ khiến nhiều người tin Trung Quốc sẽ để Nhân dân tệ tiếp tục trượt giá.

Những tính toán của Bắc Kinh

Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nội tệ đã khiến các chính trị gia Mỹ nổi giận vì lâu nay Mỹ vẫn cho rằng, Trung Quốc hỗ trợ không bình đẳng cho các nhà xuất khẩu. Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu trì trệ, giá trị xuất khẩu trong tháng 7 giảm 8,3%, hoạt động sản xuất tăng trưởng thấp hơn dự báo, đầu tư nội địa suy yếu, tín dụng tăng trưởng chậm. Do đó, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ như trên sẽ giúp kích thích xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 7% trong năm nay, các nhà phân tích nhận định.

Nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến giá hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu tăng giá đã phản ánh triển vọng này.

Mặt khác, việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ ngay sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trì hoãn quyết định xác nhận Nhân dân tệ là một đồng tiền dự trữ cho đến tháng 9/2016 có thể nhằm mục đích đưa đồng tiền này vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, tức là trở thành đồng tiền nằm trong kho dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Theo các nhà phân tích, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ thể hiện sự linh hoạt hóa trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu trở thành đồng tiền có quyền rút vốn linh hoạt. Khi đó, “quyền lực” của đồng Nhân dân tệ được nâng cao, được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới, sử dụng tự do trên các thị trường tài chính toàn cầu.

Những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều động thái để hiện thực hóa mục tiêu này. Chẳng hạn, cho phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bằng nhân dân tệ, nới lỏng kiểm soát vốn và tăng cường vai trò đầu tư của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nhân dân tệ mới chỉ đóng góp 1,4% trong thanh toán toàn cầu, kém xa tỷ lệ 42,5% của đô la Mỹ.

Tác động hai mặt

Theo các nhà kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đối với thương mại và đầu tư toàn cầu. Thực tế, xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm vị trí rất lớn trong xuất nhập khẩu toàn cầu, với gần 4.000 tỷ USD. Đối với những nước nhập siêu từ Trung Quốc (như Việt Nam), hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào, khiến nhiều doanh nghiệp nội không cạnh tranh được, dẫn tới suy giảm quy mô, cắt giảm việc làm...

Đáng chú ý, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và 6 quốc gia khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand dự kiến được ký kết vào cuối năm nay, theo đó hàng hóa của Trung Quốc có thuế suất bằng 0%. Khi đó, hàng hóa của Trung Quốc có thêm cơ hội tràn vào Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như cá tra, tôm… trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác khi đồng tiền của nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Úc, Hàn Quốc... giảm giá ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ. Đây vừa là các thị trường xuất khẩu lớn, vừa là các đối thủ xuất khẩu của Việt Nam. Riêng mặt hàng cá tra, Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Đối với hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư khá mạnh ra nước ngoài. Với việc đồng nhân dân tệ giảm giá, lợi nhuận dự kiến từ hoạt động đầu tư sẽ giảm, hoặc vốn đầu tư tăng lên, họ có thể cân nhắc rút vốn đầu tư, gây bất lợi cho nước sở tại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định. Ngoài ra, giá Nhân dân tệ giảm có thể giúp hạn chế vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, vì giá cổ phiếu hấp dẫn hơn (rẻ hơn khi quy ra đô la Mỹ).

Tuy nhiên, việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ cũng có những bất lợi. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc hiện vay nợ nước ngoài nhiều nhất châu Á, nên việc giảm giá Nhân dân tệ sẽ khiến khối nợ tăng thêm hàng tỷ đô la Mỹ. Tài sản đầu tư tại nước ngoài giảm giá trị. Sức mua trong nước giảm sút vì đồng nội tệ mất giá. Các công ty nhập khẩu bị ảnh hưởng vì phải bỏ ra nhiều nội tệ hơn để nhập hàng. Diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy, cổ phiếu của nhiều hãng hàng không và nhà nhập khẩu giảm giá.

PBOC hôm qua khẳng định sẽ giám sát dòng tiền chảy “bất thường” qua biên giới sau khi quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ làm dấy lên lo ngại các nhà đầu tư sẽ tìm cách rút vốn khỏi Trung Quốc để tránh nước này tiếp tục phá giá đồng tiền. 

Theo Theo Xinhua, China Daily, Wall Street Journal, Bloomberg, CNA
MỚI - NÓNG