Cụ thể, trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh việc điều chỉnh lại các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, ông Nga cho biết, nên đánh giá cấp độ dịch theo tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và khả năng, năng lực đáp ứng của ngành Y tế.
Theo ông Nga, khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới, Hà Nội sẽ trở thành vùng xanh, giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế, giải quyết được nhiều vấn đề, tháo gỡ khó khăn cho các loại hình kinh doanh, trẻ em được đến trường. |
Theo ông Nga, nếu thay đổi tiêu chí đánh giá như vậy, thành phố Hà Nội sẽ trở thành "vùng xanh", hàng quán nhiều nơi được mở cửa buôn bán tại chỗ trở lại, nhiều loại hình dịch vụ cũng sẽ được mở cửa thay vì cứ "nay mở, mai đóng" theo cấp độ dịch như hiện nay.
Quanh ý kiến cho rằng, hiện nay đang là thời điểm giáp Tết, người dân đi lại, giao lưu đông, nếu điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo hướng "thoáng hơn" liệu có làm tăng thêm nguy cơ COVID-19, ông Nga cho rằng, đằng nào cũng phải trao quyền tự quyết về sức khoẻ cho người dân.
"Họ tụ tập thì họ chịu trách nhiệm về sức khoẻ của chính mình. Đã có yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc 5K. Cũng như chúng ta đã cảnh báo các chất độc hại, mà nếu có người vẫn sử dụng thì không thể cản được. Vấn đề hiện nay là tăng cường truyền thông, chú trọng vào điều trị cho các trường hợp bị nặng và giảm nguy cơ tử vong", ông Nga nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay, nhà nước đã chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho chiến dịch tiêm vắc xin. Hiện, chủ yếu các bệnh nhân cũng đều ở thể nhẹ. Người dân cần phải biết tự bảo vệ mình.
Trước lo ngại về số ca tử vong do COVID-19 hiện nay ở Hà Nội đang có chiều hướng tăng, trung bình hơn chục ca/ngày, ông Nga cho rằng, hiện nay, TP HCM cũng vẫn có khoảng gần 20 ca mắc COVID-19 tử vong/ngày, tuy nhiên, họ "đã tự giải thoát và thành vùng xanh".
Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện nhiều cơ quan ở Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gây ra nhiều sức ép cho cả chính quyền cơ sở và hàng quán kinh doanh, người dân. Đại diện UBND một phường ở quận Hoàng Mai cho biết, các lực lượng của phường đang căng sức trên nhiều mặt trận. Vừa phải lo công tác điều trị cho các trường hợp F0, vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên, trong khi vẫn phải tổ chức lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng cấp độ 3 trên địa bàn. “Anh em làm không hết việc”, vị này nói.
Theo vị này, do cập nhật cấp độ dịch mỗi tuần một lần, các phương án cũng phải thay đổi liên tục, nếu được xác định ở cấp độ 2, hàng quán được mở bán tại chỗ, còn nếu ở cấp độ 3, phải chuyển trạng thái sang chỉ bán mang về. “Người dân, hộ kinh doanh cũng chấp hành thôi. Nhiệm vụ phòng, chống dịch luôn được đặt lên cao nhất, tuy nhiên, người dân, hộ kinh doanh cũng mệt mỏi, mà lực lượng chức năng cũng phải căng sức trong thời gian quá dài rồi”, vị này nói. Theo vị này, số lượng bệnh nhân ngày một tăng, nhưng hầu hết là triệu chứng nhẹ. Nếu có chỉ đạo mới, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, sẽ giảm áp lực cho lực lượng chức năng ở cơ sở.
Lãnh đạo một quận trung tâm thành phố cho biết, quận đang tập trung nhiều giải pháp để giảm số ca mắc ngoài cộng đồng, với quyết tâm đưa quận trở về vùng 2.
“Chúng tôi làm rất nghiêm, nhưng cũng phải hiểu và thông cảm với người dân, doanh nghiệp, các hộ buôn bán. Cả năm họ vất vả vì dịch rồi. Cuối năm hàng hoá về nhiều, không buôn bán được dịp này thì càng khó khăn hơn”, vị này nói. Theo vị này, các quận, huyện, đơn vị thuộc thành phố đang chờ chỉ đạo mới nhất liên quan các tiêu chí cụ thể đánh giá cấp độ dịch.
“Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng, bởi hiện nay số ca mắc ở thành phố đang rất cao. Mấy ngày nay, người tử vong vì COVID-19 trên địa bàn thành phố đều trên chục ca. Đặc biệt, nhiều nước trên thế giới lại vẫn đang trở lại các biện pháp tái phong toả, áp đặt nhiều lệnh cấm. Chúng ta không nên chủ quan”, vị này nhận định. Theo vị này, nhiều trẻ em và người cao tuổi ở Hà Nội chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, lại đang ở mùa đông lạnh, nên cần thận trọng, đánh giá đúng tình hình để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhiều lần cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác nên mạnh dạn học tập TPHCM trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác như karaoke, quán bia, rượu…
Theo vị chuyên gia này, dù mở cửa trở lại, nhưng số liệu công bố cho thấy, số ca mắc mới ở TPHCM đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với COVID-19.
Theo ông Nga, khi mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em; tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng. Còn người trẻ, thậm chí mắc COVID-19 cũng chủ yếu là triệu chứng nhẹ, không quá nguy hiểm vì đã được bảo vệ bởi vắc xin.