> Gần 2.000 nữ công nhân đình công
Giám đốc Liên đoàn Y tế Peru, ông Cesar Palomino, nói rằng, tính riêng ở thủ đô Lima, hơn 300 quản lý bệnh viện đã bỏ việc. Khoảng 11.000 bác sĩ đình công năm tuần qua, khiến các bệnh viện, phòng khám khắp Peru tê liệt.
Các bác sĩ nói rằng, dù kinh tế Peru gần đây tăng trưởng mạnh, nhưng lương của họ nhiều năm qua vẫn không tăng. Công đoàn Peru cho rằng, chính sách kinh tế bảo thủ của Tổng thống Ollanta Humala (được Bộ trưởng Tài chính Miguel Castilla ủng hộ) ngăn cản việc tăng lương của giới bác sĩ.
Ông Palomino nói rằng, cuộc đình công đã tới thời điểm quyết định và giải pháp duy nhất của chính phủ là đáp ứng yêu cầu của giới bác sĩ. “Tôi nghĩ, nguyên nhân sâu xa của tình trạng tồi tệ này là ông bộ trưởng tài chính”, ông nói.
Một quan chức công đoàn tên là Jesus Bonilla nói: “Đất nước tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng lương của người hoạt động trong lĩnh vực công giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Chúng tôi không được tăng lương dù chỉ một xu. Sức mua của chúng tôi đã giảm 30-40%”.
Đình công kép
Chính phủ Peru đang phải vất vả đối phó hai cuộc đình công lớn của giới bác sĩ và giáo viên. Chính phủ liên tục thông báo rằng, tăng lương phải dựa trên thành tích và phải liên quan hiệu quả làm việc.
“Chúng tôi kêu gọi các bác sĩ trở lại làm việc vì những người đang phải gánh chịu hậu quả là bệnh nhân. Đối thoại luôn rộng mở, nhưng chúng tôi sẽ không đáp ứng yêu cầu tống tiền”, Bộ trưởng Tài chính Castilla nói.
Theo Bộ trưởng Y tế Midori de Habich, hành động từ chức của các nhà quản lý bệnh viện là “phạm tội ác”. Cuộc đình công kéo dài ảnh hưởng lớn tới người nghèo, vì họ không đủ tiền để khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân.
Tổng thống Humala nhậm chức tháng 7-2011, hứa rằng sẽ thanh toán đói nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt cho người nghèo. Tuy nhiên, nhiều người Peru than phiền rằng, các hành động của ông chưa đủ để chia sẻ nguồn tài chính có được từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Hồi tháng 7, hàng chục nghìn người Peru đổ xô tới vùng Amazon của nước này để đào vàng trái phép, dẫn tới bạo lực, ô nhiễm, phá hủy rừng nhiệt đới.
Họ dùng thủy ngân để xử lý quặng vàng nên gây ô nhiễm các con sông và chuỗi thức ăn. Một số người đào vàng cho rằng, tình trạng quan liêu, tham nhũng ở Peru khiến việc hợp pháp hóa công việc của họ không thể thành hiện thực.
Thái An
theo BBC, AP