Vụ giết người của Waseem Baloch vào năm 2016 gây ra làn sóng phản đối kịch liệt khắp Pakistan và thúc đẩy những thay đổi trong cái gọi là luật “giết người vì danh dự” của nước này, CNN đưa tin ngày 15/2.
Luật sư của Waseem Baloch, ông Sardar Mehmood, xác nhận việc trắng án nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Waseem Baloch bị bắt trong vòng vài ngày sau vụ giết người và thú nhận trên video đã giết em gái 25 tuổi tại nhà riêng của gia đình cô ở thành phố Multan, tỉnh Punjab của Pakistan. Năm 2019, Waseem Baloch bị kết án tù chung thân.
Cái gọi là “giết người vì danh dự” ở Pakistan thường liên quan việc sát hại phụ nữ bởi thành viên gia đình, họ hàng với lý do người phụ nữ ấy đã mang lại sự xấu hổ cho gia đình, dòng tộc.
Vào thời điểm Qandeel Baloch bị sát hại, luật pháp Pakistan cho phép gia đình nạn nhân ân xá cho hung thủ đã bị kết án. Vì vậy, các nhà hoạt động nhân quyền đã lo ngại rằng, luật này sẽ được sử dụng để tha cho Waseem Baloch.
Ba tháng sau cái chết của Qandeel Baloch, trước sự phản đối kịch liệt của công chúng, các nhà làm luật Pakistan thông qua đạo luật chống lại hành vi “giết người vì danh dự”. Theo đó, ai “giết người vì danh dự” sẽ bị kết án tù chung thân (thực tế là 25 năm tù) ngay cả khi người thân của nạn nhân tha thứ cho họ. Quyết định mang tính bước ngoặt này được các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư hoan nghênh.
Nhưng việc Waseem Baloch được tuyên bố trắng án hôm 14/2 khiến các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Pakistan phẫn nộ.
“Người đàn ông thú nhận đã giết Qandeel, em gái của anh ta, giờ đây lại là một người tự do ở cùng một đất nước mà Qandeel không thể sống cuộc sống của mình một cách tự do… Chúng tôi xin lỗi Qandeel. Bị sốc và không nói nên lời”, luật sư và nhà hoạt động Nighat Dad viết trên Twitter.
Nhà báo Sanam Maher, tác giả cuốn “A Woman Like Her: The Short Life of Qandeel Baloch” (Một phụ nữ như cô ấy: Cuộc đời ngắn ngủi của Qandeel Baloch), cũng bày tỏ sự tức giận của mình trên Instagram. Bà Maher viết: “Trong một xã hội vui thú với việc trừng phạt phụ nữ vi phạm quy tắc, sẽ không có gì ngạc nhiên khi mọi nghi phạm trong vụ án này đều được tuyên trắng án. Sau bản án hôm nay, chúng ta có thể hỏi: Ai đã giết cô ấy? Có vẻ như không ai cả. Khi chấp nhận câu trả lời đó, tất cả chúng ta đều đồng lõa với tội ác không bảo vệ phụ nữ”.
Ngôi sao mạng xã hội Pakistan Qandeel Baloch trong một cuộc họp báo ở Lahore vào tháng 6/2016. Ảnh: Getty Images. |
Gần 1.000 phụ nữ bị người thân sát hại mỗi năm
Waseem Baloch thú nhận đã giết em gái của mình trên một đoạn video được phát sóng tại một cuộc họp báo.
Qandeel Baloch nổi tiếng ở Pakistan nhờ những bài đăng trên mạng xã hội với nội dung táo bạo, ngổ ngáo và ngày càng mang tính chính trị. Qandeel Baloch chu môi vào máy ảnh, thảo luận về kiểu tóc, chia sẻ những lời thú nhận về những người yêu nổi tiếng của cô ấy…
Qandeel Baloch tự gọi mình là “nhà nữ quyền thời hiện đại” và có gần 750.000 người theo dõi trên Facebook. Nhưng ở Pakistan, những “trò hề” của cô đã vượt qua ranh giới của những gì được coi là có thể chấp nhận được.
Trong một video thú tội, Waseem Baloch cho biết, anh ta “tự hào” vì đã giết em gái mình, đồng thời nói thêm rằng, việc để bạn bè chia sẻ hình ảnh và video clip của cô là “quá sức” đối với anh.
“Tôi đánh thuốc mê em gái tôi trước, sau đó tôi giết nó. Con gái được sinh ra để ở nhà và tuân theo truyền thống. Em gái tôi không bao giờ làm vậy”, Waseem Baloch nói.
Mỗi năm có gần 1.000 phụ nữ Pakistan bị sát hại bởi những người ruột thịt trong cái gọi là “giết người vì danh dự” vì nạn nhân vi phạm các chuẩn mực bảo thủ về tình yêu và hôn nhân, The Guardian đưa tin.
Những vụ như vậy được coi là giết người. Nhưng luật Hồi giáo ở Pakistan cho phép gia đình nạn nhân ân xá cho kẻ giết người; điều này thường cho phép những người bị kết án giết người vì danh dự thoát khỏi sự trừng phạt.
Waseem Baloch thú nhận đã giết em gái của mình trên một đoạn video được phát sóng tại một cuộc họp báo. Ảnh: Getty Images. |