OTT số một Nhật Bản tìm đường vào nước Mỹ

Line cùng những nhân vật ngộ nghĩnh của mình đang tìm đường vào thị trường Mỹ. Ảnh: Moonberry.
Line cùng những nhân vật ngộ nghĩnh của mình đang tìm đường vào thị trường Mỹ. Ảnh: Moonberry.
Nếu thành công tại thị trường mới, doanh thu của Line có thể đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2017, gấp hơn 20 lần so với kết quả năm 2013.

Sau thảm họa kép sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, một nhánh của công ty Internet Naver Corp (Hàn Quốc) đã tạo ra ứng dụng nhắn tin Line nhằm giúp người dân Nhật Bản liên lạc thuận tiện hơn, đồng thời cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, gửi tin thông báo về thiên tai đến điện thoại người dùng. Nhờ đó, đất nước mặt trời mọc trở thành "quê nhà" của Line và có hơn 50 triệu người dùng.

Năm 2013, Line mang dịch vụ tới Brazil nhưng người dùng ở đây không hào hứng với ứng dụng này, kể cả khi chương trình có những sticker (hình vui nhộn) trẻ trung như Moon, một nhân vật với đôi má hồng, khuôn mặt tươi tắn đang được ưa thích tại Nhật. Line quyết định thay đổi vẻ ngoài cho Moon tại Brazil, bỏ đi đôi má hồng, thêm cơ bắp và những từ lóng địa phương vào vốn từ của nhân vật. Hành động này mang lại hiệu quả cao, Line bắt đầu được đón chào nồng nhiệt hơn.

Sự thay đổi trên cho thấy Line thực sự là một đối thủ của những ứng dụng như WhatsApp (Mỹ) hay WeChat (Trung Quốc) trên thị trường nội dung miễn phí qua Internet (OTT). Trên thế giới, các OTT cho phép nhắn tin gọi điện miễn phí nhờ kết nối mạng đã thu hút cả tỷ người dùng. Họ dùng OTT để trao đổi mọi thứ từ tin nhắn, hình ảnh, video, cảm xúc với bạn bè.

Chính vì điều này, những doanh nghiệp như Facebook, Google đã để mắt tới. Tháng 2 vừa qua, Facebook chi 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp, Rakuten (Nhật Bản) cũng tốn 900 triệu USD để sở hữu một OTT nổi tiếng khác là Viber. Facebook và những doanh nghiệp khác nhìn nhận các ứng dụng nhắn tin như một kênh kết nối đến hơn 1,5 tỷ người dùng điện thoại thông minh trên thế giới. Con số còn tăng nhanh nữa khi ngày càng có nhiều người tiếp cận Internet thông qua thiết bị cầm tay.

OTT số một Nhật Bản tìm đường vào nước Mỹ ảnh 1

Gần một phần ba người dùng của Line ở Nhật Bản.

Line biết cách biến mình thành một kênh cung cấp đa dịch vụ cho người dùng, mạnh dạn bước chân vào thị trường mà chưa một công ty châu Á nào từng thành công trước đó. "Chúng tôi thấy Line là một cổng dẫn đến smartphone. Những thị trường như Mỹ sẽ là ưu tiên hàng đầu", Giám đốc tác nghiệp (COO) Line Takeshi Idezawa phát biểu.

Ngoài châu Á, Line tiến sang châu Âu và đã thu được nhiều thành công tại Tây Ban Nha, nơi khách hàng đang bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng kinh tế nhiều năm liền, ai cũng muốn giảm tiền hóa đơn điện thoại hàng tháng. Năm 2013, hãng ký hợp đồng marketing với 2 câu lạc bộ bóng đá lớn nhất tại đây là Real Madrid và Barcelona, cho ra mắt bộ sticker theo chủ đề từng đội. Công ty tuyên bố có 16 triệu tài khoản tại Tây Ban Nha trên tổng 24 triệu người dùng smartphone cả nước.

Thị trường tiếp theo là Mỹ Latin, hiện có 10 triệu người dùng tại Mexico. Từ bàn đạp này, tháng trước Line bắt đầu chiến dịch quảng cáo chính qua TV tại Mỹ. COO hãng cho biết nếu mọi chuyện suôn sẻ, Line sẽ tung thêm chiến dịch khác ngay sau khi chương trình hiện tại kết thúc.

Với 175 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng toàn cầu, Line đang xếp thứ 3 sau WhatsApp (465 triệu) và WeChat (355 triệu). Trong khi thị trường chủ yếu của WeChat chỉ ở Trung Quốc thì Line cho biết 85% tài khoản không ở Nhật Bản, đa phần là Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Indonesia.

Điều khiến Line nổi bật hơn cả trong cuộc đua "tam mã" là khả năng kiếm tiền. Năm ngoái, dù mới ra đời được 2 năm nhưng doanh thu của công ty đã đạt 505,8 triệu USD. WhatsApp được 20 triệu USD còn WeChat trong khoảng 32-48 triệu USD. Trong khi CEO WhatsApp muốn ứng dụng thuần nhắn tin, không quảng cáo thì Line thu tiền từ nhiều dịch vụ khác nhau. Có khoảng 60% doanh thu của quý IV/2013 đến từ tiền bán vật phẩm trong game, 20% là tiền sticker.

Mới đây công ty mở thêm trung tâm mua sắm trực tuyến Line Mall, cho phép người dùng và các nhà bán lẻ buôn bán sản phẩm của mình. Line cũng lên kế hoạch mở cửa gian bán sticker cho các họa sĩ cùng tham gia, với điều kiện chia sẻ doanh thu với công ty. Tới đây có thể thêm dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.

Để quảng bá thương hiệu của mình, từ những công ty lớn như Coca-Cola đến chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson đều lập tài khoản trên Line để được quyền gửi thông tin đến khách hàng với một khoản phí nhất định.

Một số chuyên gia cho rằng việc tiếp cận với quảng cáo sẽ giúp những ứng dụng như Line, KakaoTalk...sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn so với những chương trình chỉ tập trung vào tính năng nhắn tin. Nếu thị trường phần mềm tiếp tục tốc độ tăng trưởng như hiện nay, doanh thu của Line có thể đạt tới 7,5 tỷ USD vào năm 2017, WeChat đạt 10,6 tỷ USD và WhatsApp có 3 tỷ USD.

Mỹ sẽ là thuốc thử quan trọng cho chiến lược tiếp cận thị trường và khả năng đáp ứng văn hóa địa phương của Line. Người dùng ở đây chuộng nhiều tính năng và không muốn bị phân tâm bởi những tiện ích mở rộng như trò chơi. Giám đốc điều hành Akira Morikawa nói: "Mỹ là thị trường quan trọng và rất khó khăn để tiến vào. Chúng tôi không muốn đẩy nhanh quá trình hay làm gì vội vã".

Bên cạnh thách thức khi bước chân vào Mỹ, nhiều người cũng đặt ra khả năng Line sẽ được doanh nghiệp lớn hơn mua lại hay niêm yết trên sàn. COO Idezawa chia sẻ: "Chúng tôi không nghĩ lúc này cần đối tác. Tuy nhiên nếu có mối hợp tác nào có thể đưa Line trở thành OTT số một thế giới thì chúng tôi sẽ xem xét".

Theo Khánh Linh

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG