Hai năm gần đây, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp tung ra khuyến mại ăn theo Black Friday ở Mỹ với nhiều mặt hàng giảm giá mạnh. Ông bình luận như thế nào về việc này?
“Đen” của người ta là nghĩa đen, họ giảm giá hàng hóa thật sự và Black Friday là ngày vàng mua sắm đúng nghĩa. Còn với Việt Nam, “đen” ở đây đôi khi mang nghĩa bóng. Nếu đúng là các mặt hàng được giảm giá thật sự thì không nói nhưng nhiều khi làm theo trào lưu không đúng, không hấp dẫn, người tiêu dùng có cảm giác bị lừa thì việc áp dụng khuyến mại không có ý nghĩa.
Trong ngày này, nhiều đơn vị thông báo giảm giá lên đến 70-80%, như vậy là họ sẽ lỗ nặng?
Việc giảm giá lên đến 50%, thậm chí 70-80% nếu làm thật thì doanh nghiệp có thể lỗ. Nhưng nếu như làm theo kiểu “nâng lên, hạ xuống” thì họ không lỗ, thậm chí còn lãi vì có ai kiểm soát giá đó đâu.
Không riêng ngày Black Friday, nhiều ngày khác trong năm các cửa hàng bình thường cũng treo bảng giảm giá khủng nhưng giá ban đầu đã được nâng lên rồi thì người tiêu dùng thậm chí còn bị lừa. Họ nâng 100% nhưng lại khuyến mại 70% thì rõ ràng người dùng vẫn phải chịu 30% còn lại, đâu phải khuyến mại. Trong khi đó, hình thức này lại đang phổ biến.
Trong văn bản quy định về việc khuyến mại cũng nói rõ rồi, với những mặt hàng có giá trị cao, đơn vị tổ chức khuyến mại lớn cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Treo thưởng mà không ai trúng thì phải nộp lại cho cơ quan nhà nước 50% nhưng số liệu này có bao giờ được công bố đâu. Vì thế, chuyện lỗ hay lãi đối với các doanh nghiệp tổ chức khuyến mại thì cũng không biết được.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều khuyến mại Black Friday ở Việt Nam là không thực chất.
Tại các quốc gia khác, những đợt khuyến mại lớn được tổ chức có hệ thống với hàng loạt ngày mua sắm lớn tạo thành trào lưu, xu hướng, điển hình là Black Friday ở Mỹ. Còn ở Việt Nam thì sao?
Đúng là khuyến mại ở Việt Nam hiện nay chưa bài bản. Tính chuyên nghiệp, trung thực và tạo niềm tin cho khách hàng trong các chương trình khuyến mại là quan trọng nhưng chúng ta cũng dường như chưa làm được. Chưa kể, mỗi đợt khuyến mại, không ít chuyện liên quan đến chất lượng, tính trung thực lại xảy ra như đưa hàng gần hết date, có 1 nói 10, lúc đông khách lại hết hàng…
Việc quảng bá, giảm giá một cách trung thực thoạt nhìn thì dễ nhưng làm được lại rất khó. Thực tế, chúng ta cũng từng tổ chức một số hoạt động khuyến mại bài bản nhưng có vẻ như kết quả vẫn “đầu voi đuôi chuột”, chưa thu hút được khách hàng.
Tình trạng hàng hóa cần thì không giảm giá lại giảm những món đâu đâu, báo giảm 50% nhưng thực tế chỉ được vài sản phẩm, các mặt hàng khác giảm 1%, thậm chí 0% cũng xảy ra khiến cho một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin. Họ thích khuyến mại nhưng lại không đến mua hàng nữa.
Do đó, theo tôi, việc áp dụng khuyến mại của chúng ta đang tạo ra lối suy nghĩ “chưa đúng, chưa trung thực, chưa thẳng thắn” từ chính khách hàng.
Không khí mua sắm sôi động trong dịp Black Friday tại Mỹ năm 2014. Ảnh: ABCNews.
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là gì?
Có nhiều lý do, tuy nhiên cơ bản nhất vẫn là vấn đề con người, cách thức tổ chức. Lỗi từ con người chiếm đến 80%. Không thiếu những đơn vị tổ chức không quyết liệt, có kế hoạch, thậm chí chỉ đưa ra chủ trương sau đó để cho người bên dưới muốn làm gì thì làm. Trong chuyện áp dụng khuyến mại này, tùy tiện – một trong những tính xấu của người Việt Nam – cũng được thể hiện.
Ngoài ra, một phần khác cũng từ phía cơ quan quản lý. Việc yêu cầu các đơn vị muốn tổ chức khuyến mại đăng ký, báo cáo không được tiến hành. Chẳng hạn, trong 100 đơn vị đăng ký khuyến mại có bao nhiêu báo cáo lại, kết quả như thế nào, người dùng được hưởng lợi ra sao… đâu có thống kê.
Có đơn vị tuyên bố tặng ôtô cho khách trúng thưởng, đặt xe to chình ình trước cửa nhưng có ai trúng hay không thì chỉ họ mới biết. Tính minh bạch đôi khi cũng không được thể hiện. Do đó, nếu tôi đặt địa vị là người tiêu dùng, tôi đi mua theo kiểu bình thường cho xong, khỏi phải chen lấn, xô đẩy rồi còn có nguy cơ bị mất trộm, mất cắp vì tôi cũng không biết mình được khuyến mại như thế nào.
Ông bình luận như thế nào về câu chuyện kinh tế lễ hội của chúng ta thông qua sự tham gia khuyến mại của doanh nghiệp trong những dịp lễ, Tết?
Tôi chưa thấy yếu tố kinh tế lễ hội rõ ràng ở đây. Mỹ, Anh cách mình cả trăm năm nên khó có thể so sánh. Chúng ta nên học cách tổ chức của những quốc gia gần gũi với Việt Nam trước.
Còn nói về hình thành kinh tế lễ hội ở Việt Nam bây giờ, kể cả manh nha, tôi cho rằng là còn sớm. 100 năm nữa, nếu làm tốt, chạy nhanh và cải tổ yếu tố con người, tổ chức thì may ra…
Kinh tế lễ hội ở Việt Nam: Chưa tận dụng được
Một trong những tác động rõ rệt nhất của mùa lễ hội là sự tăng trưởng việc làm bán thời gian của các nhà bán lẻ và sức tiêu thụ hàng hóa tăng so với bình thường. Thuật ngữ kinh tế lễ hội được dùng để nói về việc doanh nghiệp tận dụng được yếu tố lễ hội và gia tăng doanh số, doanh thu, lợi nhuận. Tại các nước khác, kinh tế lễ hội được nhìn thấy rõ nét và tương đối hiệu quả. Ở Việt Nam, kinh tế lễ hội thường được nhắc đến vào cuối năm, giáp Tết - thời điểm sức mua trên thị trường lớn nhất hay những ngày lễ lớn trong năm.
Tuy vậy, khảo sát của Câu lạc bộ các doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam (LBC) cuối năm 2014 cho thấy, ý tưởng kinh doanh mùa Tết năm nào cũng na ná nhau, không có đột biến. Những dịp Valentine, Ngày của mẹ, Halloween, Black Friday… cũng có ít doanh nghiệp tham gia. Kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trong những lễ hội địa phương hay dịp lễ lớn cũng không được tận dụng triệt để. Theo đánh giá của LBC, việc tổ chức chương trình kinh doanh cho dịp lễ hội của doanh nghiệp trong nước còn có phần thụ động, trái ngược hẳn với doanh nghiệp nước ngoài.
Kinh tế lễ hội ở các nước khác như thế nào?
Năm 2014, các doanh nghiệp tại Trung Quốc thu tới 100 tỷ USD sau 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Con số này gấp đôi mức chi dùng của người Mỹ trong lễ Tạ Ơn, nhưng chỉ bằng một phần nhỏ trong tổng số chi tiêu của mùa lễ hội cuối năm của quốc gia này. Theo đó, nếu tính trong toàn mùa lễ hội cuối năm, số tiền giao dịch trên toàn nước Mỹ lên tới 602 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2013.
Trước đó, năm 2013, trung bình mỗi người dân Mỹ tốn khoảng 730 USD để mua quà, thức ăn, đồ trang trí cho những ngày lễ cuối năm. Châu Âu năm 2014 chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng số tiền mà các gia đình chi tiêu để đón Giáng sinh và năm mới không giảm đi. Trung bình mỗi người dân Phần Lan chi khoảng 800 USD, Đan Mạch là 720 USD, còn Đức - nền kinh tế mạnh nhất khu vực Eurozon - là 460 USD (tăng 6,3% so với năm ngoái).
Mùa lễ hội cũng là lúc các doanh nghiệp chạy đua giành giật nhân viên thời vụ. BBQ Fest có 13.000 nhân viên, nhưng hãng phải tuyển mộ thêm 110 người ở mỗi khu vực để phục vụ khách. Trong khi đó, FedEx đã phải lên kế hoạch tuyển dụng thêm 55.000 nhân viên (tương đương 10% lượng lao động hiện tại của hãng) để chuẩn bị mùa giao hàng cuối năm 2015. Còn UBS dự kiến thuê khoảng 95.000 nhân viên, bằng đúng con số của năm 2014.