Ông Võ Văn Thưởng: Xử lý tình trạng 'báo hóa' tạp chí chưa nghiêm túc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc các hội chưa nghiêm túc.

Mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại mình, cơ quan mình

Sáng 23/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đánh giá: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năm 2021, toàn ngành tuyên giáo đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Ông Võ Văn Thưởng: Xử lý tình trạng 'báo hóa' tạp chí chưa nghiêm túc ảnh 1

Ông Võ Văn Thưởng: Xử lý tình trạng 'báo hóa' tạp chí chưa nghiêm túc

Tuy vậy, Thường trực Ban Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản có lúc chưa kịp thời. Việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc của các hội chưa nghiêm túc; quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế...

Ông Võ Văn Thưởng: Xử lý tình trạng 'báo hóa' tạp chí chưa nghiêm túc ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Như Ý)

Về nhiệm vụ năm 2022, ông Võ Văn Thưởng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng.

Ngành tuyên giáo cần tập trung triển khai thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công nêu trong Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị, trước mắt là nghiên cứu, ban hành hướng dẫn đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trong nội bộ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan báo chí-xuất bản, văn học nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ… cần tiến hành ngay việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận 21, bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất.

"Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp, phải gương mẫu, tự giác làm trước; tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình cái gì đã làm tốt, cái gì chưa tốt, tại sao lại như vậy, trên cơ sở đó tự mình điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang; ngăn chặn tình trạng lợi dụng kiểm điểm, phê bình để 'đấu đá', 'hạ bệ' nhau với động cơ không trong sáng", ông Thưởng nhấn mạnh.

Khắc phục tình trạng học chỉ vì bằng cấp, đủ điều kiện bổ nhiệm

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng; đề cao việc tự học, tự nghiên cứu của cá nhân, xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.

"Khắc phục tình trạng ngại và lười học tập lý luận chính trị; xác định rõ động cơ, thái độ học tập đúng đắn; học tập lý luận chính trị không chỉ để nâng cao trình độ, mà phải biết áp dụng lý luận đó vào thực tiễn, tạo chuyển biến thực sự trong mỗi hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên; tuyệt đối tránh tư tưởng học đối phó, học chỉ vì bằng cấp, để đủ điều kiện được đề bạt, nâng lương, được bổ nhiệm làm lãnh đạo”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Ông Võ Văn Thưởng: Xử lý tình trạng 'báo hóa' tạp chí chưa nghiêm túc ảnh 3

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Như Ý)

Báo cáo tại hội nghị, phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, trong năm qua công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động trên lĩnh vực báo chí tiếp tục được toàn ngành quan tâm, tạo chuyển biến tích cực theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục.

Các cơ quan đã tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí.

Trong công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, ông Môn cho biết, một số trường hợp, nhất là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm có lúc chưa kịp thời, còn chưa quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ dẫn tới làm chậm sự lan tỏa của các thông tin dẫn dắt dư luận xã hội. Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc hội vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và giới báo chí.

MỚI - NÓNG