Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Không để xảy ra tham nhũng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trả lời ý kiến cử tri Ðà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trả lời ý kiến cử tri Ðà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Ngày 23/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Ðoàn ÐBQH TP Ðà Nẵng có buổi tiếp xúc với cử tri TP để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu) cho rằng, quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng rất cao, tuy nhiên kết quả chưa đạt yêu cầu đặt ra. Càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng tinh vi và phức tạp. Người tham nhũng toàn là những người có chức có quyền. Ông Tổng đề nghị Quốc hội xem xét khôi phục án tử hình đối với tội danh tham nhũng trong Bộ luật Hình sự.

Trả lời ý kiến cử tri TP Đà Nẵng, ông Võ Văn Thưởng cho biết: Công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm và coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng, Nhà nước, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước ta hiện nay. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đặt vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng ở tầm mức cao hơn. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn luôn ở mức độ cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ và trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực lập pháp, xây dựng chính sách, pháp luật.

Ông Thưởng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Bộ Chính trị đã ra kết luận định hướng về xây dựng pháp luật, trong đó nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách; không để các bộ ngành, cơ quan trong quá trình xây dựng luật, xây dựng chính sách cài cắm lợi ích cơ quan, của tập thể, nhóm vào các văn bản chính sách. Ngay sau Đại hội XIII, công tác phòng chống tham nhũng đã làm rất tích cực. Đã có những cán bộ, thậm chí những đồng chí vừa được bầu vào Trung ương khoá XIII nhưng phát hiện ra sai phạm đã kiên quyết xử lý.

“Đây chỉ mới là xử lý bước đầu. Tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó. Khi đã rõ, vi phạm quy định của Đảng, của Nhà nước trước hết xử lý hành chính, sau đó sẽ làm tiếp các bước để xử lý theo Bộ luật Hình sự, xem xét một cách rất nghiêm túc”, ông Thưởng cho biết.

Theo ông Thưởng, những quy định của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng sau Đại hội XIII đã sửa đổi theo hướng đổi mới, chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. “Nếu cán bộ có khuyết điểm, có sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết khuyến khích từ chức nhưng đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng, của cơ quan để cán bộ phải từ chức khi uy tín của cán bộ đó giảm sút, không chờ đến hết nhiệm kỳ”, ông Thưởng nói.

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, quy định luôn hướng tới việc làm sao cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.

MỚI - NÓNG