“Điều xảy ra ở thành phố này đêm qua đã hoàn toàn nhục nhã”, ông nói với cả nước khi cảnh sát vẫn đang dùng hơi cay để giải tán đám đông đang tập trung trên các tuyến phố ngay gần đó.
“Tôi sẽ điều hàng ngàn hàng ngàn binh lính được trang bị vũ khí hạng nặng, quân nhân và lực lượng thực thi pháp luật để ngăn chặn tình trạng bạo loạn, cướp bóc, tấn công và hủy hoại tài sản”, ông Trump nói.
Ông lên án “những hành vi khủng bố trong nước” và dọa sẽ trừng trị nghiêm khắc.
“Tôi muốn những đối tượng tổ chức khủng bố nhớ rằng các người sẽ phải đối mặt với những trừng phạt nghiêm trọng và bản án dài”, ông nói.
Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các thông đốc bang “triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia với số lượng đủ để kiểm soát được các tuyến phố”. Sau đó, ông đi bộ đến nhà thờ St John - nhà thờ của các tổng thống gần Nhà Trắng đã bị người biểu tình đập phá.
Ông dừng lại trước những ô cửa sổ của nhà thờ màu vàng, nơi nhiều tổng thống từng cầu nguyện. Đi cùng ông có Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien và các cố vấn hàng đầu khác.
Khi không khí còn đặc mùi cay nồng, ông Trump cầm cuốn Kinh thánh đứng trước camera rồi trở lại Nhà Trắng, nhưng không trả lời câu hỏi nào từ phóng viên.
Ông nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ông sẽ huy động các nguồn lực quân sự và dân sự để “ngăn chặn tình trạng cướp phá, để chấm dứt tình trạng phá hoại và đốt phá nhằm bảo vệ quyền của những người Mỹ tuân thủ pháp luật, trong đó có các quyền được quy định trong Hiến pháp sửa đổi thứ hai”, trong đó có quyền được sở hữu súng hợp pháp.
“Chúng ta không thể để tiếng khóc chính đáng của những người biểu tình hòa bình bị nhấn chìm bởi đám du côn cướp phá”, ông nói. Ông cho rằng nước Mỹ đang bị kìm kẹp bởi “những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp”.
Làn sóng biểu tình lần này bắt đầu một cách ôn hòa nhưng nhanh chóng biến thành bạo lực. Sự kiện khởi đầu là cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi 46 tuổi thiệt mạng khi đang bị cảnh sát khống chế.
Kết quả khám nghiệm tử thi lần hai mà gia đình Floyd yêu cầu tiến hành và công bố ngày 1/6 xác định nguyên nhân tử vong là do hành vi giết người bằng cách gây ngạt ngạt cơ học, nghĩa là lực tác động vật lý bên ngoài làm cản trở nguồn cung cấp oxy cho cơ thể. Báo cáo nói rằng 3 sĩ quan cảnh sát gây ra cái chết của Floyd.
Làn sóng biểu tình lần này diễn ra với quy mô rộng nhất ở Mỹ kể từ năm 1968, khi các thành phố Mỹ rung chuyển vì cơn thịnh nộ của người dân trước cái chết của biểu tượng đấu tranh cho quyền công dân Martin Luther King Jr, và gợi nhớ lại ký ức về đợt bạo loạn năm 1992 ở Los Angeles sau khi cảnh sát được tha bổng trong vụ đánh đập tàn bạo một người da màu tên là Rodney King đến chết.