Người Mỹ khốn khổ vì hai đại họa

Khung cảnh bạo lực ở Minneapolis hôm 27/5. (Ảnh: Getty Images)
Khung cảnh bạo lực ở Minneapolis hôm 27/5. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Có hai đại họa song song đang tàn phá nước Mỹ: virus corona và làn sóng biểu tình phản đối tình trạng kỳ thị người da màu. 

Cuộc sống của ông Jimmy Mills đang bị đảo lộn vì cả hai cuộc khủng hoảng. Cửa hàng cắt tóc của ông ở trung tâm Minneapolis là một trong nhiều doanh nghiệp nhỏ của người da màu đã chất vật sống sót qua đại dịch. Nhưng ông Mills vẫn hy vọng vì sau 2 tháng phong tỏa, ông sẽ được mở hàng trở lại vào tuần tới. 

Thế rồi đến ngày 29/5, khu dân cư của tầng lớp lao động nơi ông Mills có cửa hàng cắt tóc suốt 12 năm qua biến thành chảo lửa vì làn sóng biểu tình hỗn loạn để phản đối sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd và tình trạng đối xử bất công của cảnh sát da trắng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ. 

“Virus corona, rồi điều này – giống như một phát súng”, ông Mills, 56 tuổi, nói với New York Times. 

Làn sóng biểu tình bạo lực bùng lên sau khi xuất hiện đoạn phim ghi lại những giây phút cuối cùng của Floyd dưới đầu gối của cảnh sát đã thổi bùng lên cơn thịnh nộ và lo lắng của người Mỹ.

Nỗi sợ hãi về đại dịch đã giết chết hơn 100.000 người và làm biến mất nhiều triệu việc làm trên khắp nước Mỹ vẫn còn nguyên đó. Tính đến ngày 31/5, có thêm ít nhất 600 người Mỹ nữa thiệt mạng vì COVID-19. 

Người dân Minneapolis nói rằng làn sóng biểu tình sau vụ giết hại Floyd là phản ứng của một cộng đồng bị cảnh sát và virus corona thử thách dồn dập trong những tuần gần đây. 

COVID-19 gây ra những thiệt hại về con người và kinh tế đối với các nhóm thiểu số và người nhập cư ở Minneapolis và những thành phố khác nặng nề hơn các cộng đồng khác. Người lao động da màu và Mỹ Latin dễ mất việc làm hơn. Nhiều người là công nhân làm việc theo giờ với tiền công rẻ mạt. Họ phải chấp nhận rủi ro khi phải làm việc trong các cửa hàng thực phẩm, viên dưỡng lão, xưởng sản xuất, lò mổ gia súc và những công việc không thể làm từ xa khác. 

Cộng đồng người da màu ở Minnesota cũng bị COVID-19 tấn công nặng nề hơn. Nhìn chung, cộng đồng người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ dễ mắc và dễ tử vong vì COVID-19 hơn. 

Ước tính người da đen chiếm ít nhất 29% số ca mắc COVID-19 ở Minnesota, dù cộng đồng này chỉ chiếm 6% dân số bang. Người Mỹ gốc Phi chiếm 35% số ca mắc COVID-19 ở Minneapolis, dù họ chiếm đưa đến 20% dân số thành phố. 

“Không có từ ngữ nào để diễn tả điều người dân ở đây đang trải qua”, Mohamud Noor, nghị sĩ đại diện cho một quận nơi có nhiều người Somali và những người nhập cư khác, nói với NYT. 
Ông chú của Noor chết vì virus corona vài ngày trước. Noor nói rằng anh đã không còn đếm được có bao nhiêu họ hàng và cử tri ở khu dân cư của anh đang chết vì đại dịch. 

Noor nói rằng tình trạng đóng cửa các trường học gây bất lợi cho những học sinh nghèo không có laptop hay đường truyền internet ổn định để học trực tuyến, và làn sóng mất việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp ở đây tăng vọt. Giờ đây, với hơn 200 doanh nghiệp bị tổn thất hoặc phá hủy trong làn sóng biểu tình, Noor nói rằng anh lo ngại nguy cơ xảy ra một làn sóng đóng cửa, mất việc làm và phá sản nữa. 

Trước khi đại dịch xảy ra, khu dân cư trung tâm Minneapolis đã chật vật tái thiết sau nhiều năm khó khăn kinh tế, sau nhiều năm người dân cảm thấy bị lãng quên. 

Một đường sắt được cải tạo để trở thành đường đi xe đạp và đi bộ chạy qua đô thị. Trung tâm thương mại toàn cầu mọc lên, thu hút thực khách và người mua hàng đến các cửa hàng thực phẩm và đồ thủ công của người Hmong, Ấn Độ, Ma-rốc...

Nhưng nay, ngay bên cạnh tiệm cắt tóc của ông Mills, hai cửa hàng đổi tiền và làm đẹp đã bị lửa thiêu rụi. Cửa kính tiệm hớt tóc của ông bị đập vỡ, còn TV, camera và đồ nghề bên trong đã bị lấy đi trong đợt biểu tình. 

Khi cửa hàng rơi vào tình trạng mất điện, nước chảy lênh láng trên sàn và những hàng cảnh sát và lực lượng vệ binh quốc gia đứng chặn phía trước, ông Mills không biết khi nào cửa hàng của ông mới có thể mở cửa trở lại. 

Rashawn Ray, một nhà xã hội học công tác tại Viện Brookings, nói rằng khác biệt mấu chốt giữa hai đại họa này là virus corona một ngày nào đó có thể bị tiêu diệt bằng vắc-xin hoặc đột phá y học. Nhưng ‘chúng ta không bao giờ đến được nơi mà tình trạng kỳ thị chủng tộc không còn lại một phần đáng kể trong cuộc sống của người ở Mỹ”, ông nói. 

Theo theo NYT
MỚI - NÓNG