Ông Trump chứng kiến lễ ký kết lịch sử

Tổng thống Mỹ Donald Trumpảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trumpảnh: AP
TP - Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/9 (giờ Mỹ) chủ trì lễ ký kết thoả thuận ngoại giao mang tính lịch sử giữa Israel và 2 quốc gia Ả-rập ở vùng Vịnh, sự kiện báo trước những thay đổi mạnh mẽ về sức mạnh ở Trung Đông và tạo cú hích cho nhà lãnh đạo Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. 

Trong buổi lễ tại Nhà Trắng, ông Trump dự kiến đón hơn 700 khách đến chứng kiến lễ ký kết thoả thuận giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain. Ông Trump và các đồng minh hy vọng đây là cơ hội để làm nổi bật uy tín của ông trong vai trò người kiến tạo hoà bình vào thời điểm gần đến ngày bầu cử.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng 2 ngoại trưởng UAE và Bahrain đóng dấu thoả thuận trước sự chứng kiến của đám đông, trong đó có cả đại diện ngoại giao các nước ủng hộ. Một số người ủng hộ lặng lẽ thuộc đảng Dân chủ được mời đến buổi lễ, AP đưa tin.

Ngoài hai thoả thuận song phương, một thoả thuận ba bên cũng được ký. Các thoả thuận này được đặt tên là “Hiệp ước Abraham” theo tên của tổ phụ của 3 tôn giáo lớn ở Trung Đông. Ông Trump ký tên với tư cách người làm chứng.

Những thoả thuận này không kết thúc cuộc chiến nào mà sẽ chính thức hoá quan hệ vốn đã tốt đẹp giữa nhà nước Do Thái với 2 quốc gia trong khu vực. Và dù không giải quyết được cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine, các thoả thuận có thể mở đường cho mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Israel với thế giới Ả-rập sau nhiều thập kỷ thù hận, chiến tranh và chỉ có 2 thoả thuận hoà bình từng được ký.

Những người phản đối, một số chuyên gia và cựu quan chức bày tỏ hoài nghi về tác động của những thoả thuận này và cho rằng chúng phớt lờ người Palestine. Palestine phản đối việc ký kết, cho rằng đó là cú đâm sau lưng của những người cùng thuộc thế giới Ả-rập.

Nhưng ngay cả những người chỉ trích mạnh mẽ nhất cũng nhất trí rằng các thoả thuận này có thể tạo nên một cơn địa chấn ở khu vực nếu những quốc gia Ả-rập khác, đặc biệt là Ả-rập Xê-út, làm theo, gây tác động lớn đến Iran, Syria và Li-băng. Oman, Sudan và Ma-rốc được đánh giá là những nước tiềm năng sẽ hành động tương tự.

Ngày 13/8, Israel và UAE nhất trí sẽ bình thường hoá quan hệ, theo sau là chuyến bay thẳng thương mại lần đầu tiên giữa hai nước. Bahrain và Israel đưa ra thông báo tương tự vào ngày 11/9. Nội dung cụ thể của các thoả thuận không được tiết lộ trước lễ ký kết ở Washington.

Ngay cả ở Israel, nơi các thoả thuận được chào đón rộng rãi, vẫn có quan ngại rằng chúng sẽ dẫn đến việc Mỹ bán các loại vũ khí phức tạp cho UAE và Bahrain, từ đó có thể làm suy yếu lợi thế quân sự của Israel ở khu vực. Tại UAE và Bahrain, có dấu hiệu cho thấy các thoả thuận không được chào đón như ở Israel. Vì thế, cả hai nước đều không cử nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ đến ký thoả thuận với ông Netanyahu mà chỉ cử ngoại trưởng.

MỚI - NÓNG