Ông Trump áp thuế cao đối với thép, nhôm: Gây hại kinh tế, môi trường

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước ký lệnh về áp mức thuế mới lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Ảnh: CBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước ký lệnh về áp mức thuế mới lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Ảnh: CBC.
TP - Giống như chiến tranh, lửa rất dễ bén nhưng khó dập tắt. Vị tổng thống Mỹ chống toàn cầu hóa Donald Trump đã bất chấp phản đối từ chính trong đảng của mình, phản đối ở nước ngoài và nguy cơ châm ngòi chiến tranh thương mại để ký một sắc lệnh gây tranh cãi nhằm áp mức thuế mới lên thép và nhôm nhập khẩu.

Dù để ngỏ khả năng thỏa hiệp và ngoại lệ với các đối tác thương mại như Canada và Mexico, việc Nhà Trắng viết lại luật trên thị trường tự do khiến ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng, từ chức. Cần nói rõ, trong một cuộc chiến tranh thương mại, Gary Cohn sẽ là người phản ứng đầu tiên. Là cựu giám đốc điều hành của hãng tài chính đa quốc gia Goldman Sachs, Cohn hiểu rõ thị trường kinh tế. Lớn lên từ một đứa trẻ khốn khổ của giai cấp công nhân ở Cleveland, bang Ohio, Cohn kiếm được công việc đầu tiên sau khi ra trường là làm cho hãng thép US.Steel, ông chắc chắn hiểu một thị trấn nhà xưởng ở miền trung nước Mỹ ngày nay trông như thế nào. Kinh nghiệm làm việc trên dưới 20 năm của ông tại Goldman Sachs giúp ông hiểu bản chất chính sách mới là như thế nào.

Mức thuế mà Tổng thống Trump vừa thông qua không có lợi về kinh tế, và Cohn chắc chắn đã học được điều này trong giáo trình kinh tế cơ bản. Từ khía cạnh kinh tế vĩ mô, không có nhiều tranh cãi, thậm chí thảo luận, về những nguyên tắc cơ bản này (về cung và cầu). Với một cơn bão tranh luận trước mức thuế mới, những thiệt hại về tài sản có thể dễ dàng bị bỏ qua. Hãy lấy Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển và một đối tác gần gũi của Mỹ ở biển Đông, làm ví dụ. Từ lâu dựa vào ngành đánh bắt cá, nền kinh tế của Việt Nam không thể đáp trả những hành động thù địch và đối phó với tình trạng nhiều tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam đã – hoặc tính cho đến tuần trước – tìm thấy một cơ hội để chuyển đổi sang ngành chế tạo, công nghệ và năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia (trớ trêu là gồm cả Trung Quốc) đã có kế hoạch tham gia vào ngành sản xuất các tế bào quang điện của Việt Nam. Các tế bào quang điện là những chấm nhỏ trên một bảng pin năng lượng mặt trời để thu ánh nắng mặt trời rồi chuyển hóa thành nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Tháng 1 vừa qua, chính quyền Trump áp mức thuế 30% lên các tấm pin năng lượng mặt trời nhập vào Mỹ. Đây là cú đánh lớn đối với ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời còn non trẻ ở Việt Nam, gây mất ổn định cho toàn bộ thị trường năng lượng mặt trời Mỹ khi tác động đến cả người sử dụng và các nhà cung cấp điện.

Mức thuế mới mà ông Trump áp dụng đánh vào 12 nhà nhập khẩu thép lớn nhất vào thị trường Mỹ với mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm. Tính sơ sơ, mức thuế này gây tổn thương cho Canada và Mexico nhiều nhất, nhưng những nước nhỏ hơn như Việt Nam mới cảm thấy rõ cơn đau kinh tế.

Nhưng bất kỳ cuộc chiến thương mại toàn cầu nào cũng bắt đầu với Trung Quốc. Do tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc đang sản xuất lượng thép lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại và đang là nhà xuất khẩu hàng giá rẻ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ xuất một phần nhỏ sản lượng của họ sang Mỹ và chủ yếu phục vụ các thị trường châu Á.

Việt Nam hứng chịu

Tổ chức Thương mại Thế giới ước tính, Trung Quốc phải trả 689 triệu USD tiền thuế. Chi phí thuế quan toàn cầu  là 14 tỷ USD. Theo cách tính đó, Trung Quốc sẽ phải trả 689 triệu USD tiền thuế mỗi năm. Dĩ nhiên, Trung Quốc có thể bù đắp chi phí đó bằng cách tăng giá bán cho các công ty Mỹ mua thép và nhôm để sử dụng trong các sản phẩm của họ làm tại Trung Quốc. Hoặc họ có thể đáp trả. General Motors, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hiện nay, vẫn đặt trụ sở tại Detroit, Michigan. Thiệt hại gộp mỗi năm với những hãng như GM hay Ford do tăng thuế gây ra ước tính hơn 1 tỷ USD.

Hai chiến lược gia của tổ chức tài chính Bank of America/Merrill Lynch là Hans Mikkelson và Yunyi Zhang tuần trước đưa ra một lời khuyên tư vấn đầu tư. Nhà Trắng có thể đã biết đến báo cáo này vì bảng biểu về cung và cầu trong đó đã quen thuộc với hầu hết học sinh trung học. Kết luận của họ rất rõ ràng. Mức thuế mới của Mỹ lên thép và nhôm không có lợi cho bất kỳ ai.

Rủi ro rất rõ ràng mà Mikkelson và Zhang chỉ ra là “sự trả đũa của các nước khác và một cuộc chiến thương mại sẽ lấn át bất kỳ lợi ích nào do chính sách tăng thuế mang lại”, khi các nước tăng thuế lên các hàng hóa và dịch vụ Mỹ, gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu của nước này. Những nước lớn hơn, tức những đối tượng mà chính sách tăng thuế của Mỹ muốn trừng phạt, lại có những cây búa để đối phó với cái đinh của Mỹ. Họ mua rất nhiều thứ mà Mỹ sản xuất ra, từ máy móc đến nông sản làm ở Mỹ. Trung Quốc mua lượng lớn đậu tương và những nông sản khác từ các bang đã ủng hộ ông Trump trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2016. Những công ty Mỹ như Boeing và GM, khi phải đối phó với chi phí nguyên liệu tăng, sẽ khó cạnh tranh hơn với những đối thủ như Airbus và VW.

Các thị trường đang phát triển như Việt Nam, với GDP nhỏ hơn, sẽ gặp nhiều khó khăn trong xử lý những thiệt hại do mức thuế mới của Mỹ. Khi vẫn quay cuồng với thuế áp lên sản phẩm pin năng lượng mặt trời, giờ họ khó có thể bán nhôm và thép sang Mỹ với giá cạnh tranh. Mỹ mất một đối tác thương mại quan trọng, và quan hệ của Mỹ với một đối tác quan trọng trong một khu vực quan trọng chiến lược bậc nhất thế giới bị đe dọa. Mỹ để người Trung Quốc gây tổn hại ngành đánh bắt trên biển Đông, rút chân khỏi ngành công nghiệp pin mặt trời ở Việt Nam, và giờ là gạt bỏ một quốc gia thân thiện khỏi cơ hội tiếp cận thị trường vật liệu thô quan trọng. Rõ ràng là chưa hài lòng với việc tự lấy súng bắn chân mình, Mỹ dường như có ý định làm tổn thương cả bạn bè của mình.

GS James Borton, Trung tâm Stimson (Mỹ), CTV của báo Tiền Phong, gửi bài cho Tiền Phong, thể hiện quan điểm riêng của ông về những hệ lụy của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm, thép, tấm pin năng lượng mặt trời. Ông ví việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế giống như ngịch diêm trong rừng.

MỚI - NÓNG