Trước sự việc đã xảy ra với ông Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có xem xét tư cách đại biểu Quốc hội không, thưa ông?
Theo quy định, sau 35 ngày kể từ khi công bố kết quả và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội, trong 5 ngày đầu sẽ xem có đơn thư gì không, 30 ngày tiếp theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ giải quyết, sau đó mới đến xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội. Trong thời gian này, đại biểu nào có vấn đề gì thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, đánh giá, quyết định công nhận hay không. Đối với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng sẽ xem xét.
Hiện nay 9 cơ quan đang vào cuộc, trên cơ sở kết luận, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét. Ngoài ra còn các kênh khác như những phản ánh từ dư luận, báo chí và người dân… để xác nhận tư cách đại biểu này. Khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét sẽ phải căn cứ vào nhiều yếu tố, phải trao đổi với 9 cơ quan đang vào cuộc và kết luận sau đó sẽ là cơ sở rất quan trọng để đi đến quyết định.
Theo ông việc này có phải xét đến trách nhiệm của địa phương không?
Trường hợp này hiện chưa rõ từ khâu nào giới thiệu, từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về Bộ Công Thương, từ Bộ Công Thương về tỉnh, rồi tỉnh giới thiệu và được bầu đại biểu Quốc hội. Tôi cũng chưa rõ ở khâu nào, việc này đang chờ các cơ quan được Tổng Bí thư giao vào cuộc, tiếp cận hồ sơ mới biết được.
Ông Trịnh Xuân Thanh có được quyền xin rút vai trò đại biểu Quốc hội không, thưa ông?
Ông Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn có quyền xin rút. Nếu xin rút thì ông Thanh gửi đơn lên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, lúc đó Hội đồng sẽ không xác nhận đại biểu nữa.
Cảm ơn ông.