Ông Trần Đăng Tuấn 'xoay' Thứ trưởng Giao thông về BOT

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (trái) và nhà báo Trần Đăng Tuấn (giữa) trong cuộc tọa đàm. Ảnh: Đại biểu nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (trái) và nhà báo Trần Đăng Tuấn (giữa) trong cuộc tọa đàm. Ảnh: Đại biểu nhân dân.
Trong cuộc tọa đàm "Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT" hôm qua do báo Đại biểu nhân dân tổ chức, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã nêu hàng loạt câu hỏi.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn dẫn chứng ở Úc luôn tồn tại đường miễn phí và đường trả phí, tức là anh có thể chọn đi nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn, tiết kiệm nhiên liệu thì đi đường trả phí. Còn nếu không anh có thể đi đường không tiện lợi bằng nhưng miễn phí. Nếu như không đi vào đường trả phí thì mỗi năm đóng một khoản phí về đường, rồi không phải nộp một đồng nào nữa.

Trong khi ở VN hiện giờ có hướng ép dân đi đường BOT. Ví dụ, cầu Hạc Trì vừa xong thì cấm dân đi cầu Việt Trì đối với ô tô. Vậy, tại sao không có sự phân luồng đầu tư nhà nước để bảo trì, nâng cấp, sửa chữa đường quốc lộ, để cho dân lựa chọn đi đường quốc lộ cũ hoặc sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, trong đó có đường BOT? - ông Tuấn đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lý giải, thứ nhất khi đầu tư các tuyến cao tốc mới bao giờ cũng đưa ra lựa chọn đi hay không. Chẳng hạn như ở cao tốc Pháp Vân đoạn nhánh rẽ, nếu người dân không đi tuyến cao tốc, vẫn có thể đi Quốc lộ 1 và không mất phí.

Thứ hai là nâng cấp các tuyến đường quốc lộ hiện có. Ví dụ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có rồi nhưng tuyến quốc lộ 5 vẫn thu phí. Lý do: Đường 5 cũ thì xuống cấp hết sức nghiêm trọng, lượng xe đi rất lớn, mà ngân sách nhà nước để đầu tư cho đường này không có, làm mới cũng không có. Do đó, đường 5 đã được đề nghị nâng cấp bằng hình thức BOT. Như vậy, 2 dự án BOT này khác nhau về mặt chủ trương, một bên là xây dựng mới, một bên là nâng cấp.

Thứ ba là nâng cấp đối với các tuyến đường quốc lộ bình thường. Ví dụ như vừa rồi Taco thực hiện một số dự án ở phía Bắc, tuyến đường đó không có tiền để nâng cấp, vậy phải làm một tuyến bên cạnh để mở rộng ra do tuyến cũ mặt bằng không thể mở rộng. Như vậy tuyến cũ mặt bằng không được thì làm một tuyến mới bên cạnh để thu phí.

Nhưng nếu đường mới không làm thì đường cũ cũng không thể đi lại được, việc nâng cấp đường cũ và làm mới đường mới cho phép thu phí ở điểm bắt đầu ở cả đường mới và đường cũ, như vậy là vừa có đường cũ được nâng cấp vừa có đường mới để đi lại.

"Như vậy, ở đây không có sự lựa chọn của người dân là đúng" - Thứ trưởng Trường lý giải.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn nhìn nhận: Đúng là khả năng lựa chọn của người dân đang bị thu hẹp và sẽ còn bị thu hẹp. Có những đường khi trạm thu phí cũ chấm dứt, trạm thu phí mới sẽ hoạt động. Sau một thời gian nào đó với một mức độ xuống cấp, hết thời hạn một BOT thì hoàn toàn có thể lại có một BOT khác chồng lên.

Ông Tuấn nhấn mạnh: Chúng ta đừng lựa chọn thay cho dân. Dân mà thấy cái gì lợi hơn thì dân sẽ làm. Người ta chưa thấy có lợi hơn thì đó là lựa chọn của người ta. Mà lựa chọn này bị thấp đi xuất phát từ chỗ cái bí Nhà nước không có tiền, thì đây không chỉ là vấn đề của Bộ Giao thông mà là vấn đề của Chính phủ, của Nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay: Hiện nay chúng ta đầu tư các dự án BOT đối với đường cao tốc rất ít, mà chủ yếu đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có. Nếu đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có thì người dân không có sự lựa chọn. Đáng lý ra nếu có tiền thì Nhà nước đầu tư vào những tuyến đường này. Nhưng như chúng ta biết, bây giờ ngân sách rất khó, mà trong đó yêu cầu phát triển hạ tầng được đưa vào nghị quyết của QH, nghị định của Chính phủ, tức là huy động nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, mạnh các cơ sở hạ tầng.

Ông Trường cũng thông tin, trong tháng 6, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết 5 năm về đầu tư các dự án BOT. Bộ mời các chuyên gia, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các tổ chức của các bộ tham gia về BOT.

Bộ GTVT sẽ chắt lọc ý kiến, sau đó trình Chính phủ đưa ra các cơ chế mới, rồi mới tiếp tục đầu tư các dự án BOT tiếp theo.

"Hiện nay chúng tôi tạm dừng đầu tư các dự án mới để nghe lại, tổng kết, đồng thời chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tài chính để xem lại mức thu phí ở các trạm BOT. Thứ nhất để có thể giãn thời gian thu phí ra, giảm áp lực tăng mức phí. Thứ hai, có thể ghép các trạm này vào nhau để giảm bớt, để làm thế nào các doanh nghiệp vận tải không bị khó khăn hơn", Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG