Ông Tập Cận Bình và khối BRICS lên án chủ nghĩa bảo hộ

Lãnh đạo G-20 chụp ảnh chung (Reuters)
Lãnh đạo G-20 chụp ảnh chung (Reuters)
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nền kinh tế đang phát triển đã lên án chủ nghĩa bảo hộ tại hội nghị thượng đỉnh G-20 đang diễn ra tại Argentina, sự kiện bị phủ bóng đen bởi lời đe dọa leo thang đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị G-20 lần này là phép thử thực sự đối với cơ chế đối thoại của 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Chính nhờ cơ chế này, năm 2008, lãnh đạo các quốc gia này đã nhóm họp để đề ra các biện pháp cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng bảy thập kỷ.

Với sự gia tăng tư tưởng chủ nghĩa quốc gia ở nhiều nước, G-20, tổ chức với dân số chiếm 2/3 thế giới, đang đối mặt với các câu hỏi về  khả năng xử lý trong căng thẳng thương mại, vấn đề vốn đã gây tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu.

Thượng đỉnh G-20 năm nay diễn ra trong lúc đám mây đen căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang lơ lửng trên đầu. Hai nước đã áp thuế trả đũa với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Các thị trường tài chính toàn cầu đang trông đợi kết quả cuộc hội đàm giữa ông Trump và ông Tập tại bữa tiệc tối thứ Bảy (giờ địa phương) để quyết định đường hướng làm ăn trong thời gian tới. Đường hướng thế nào còn tùy thuộc các khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc có được giải quyết hay không, giải quyết đến mức độ nào.

Ông Tập và các lãnh đạo khối BRICS (là khối kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi) đã ra tuyên bố kêu gọi về một nền thương mại quốc tế mở, củng cố vai trò của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

“Tinh thần và luật lệ của WTO chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”, tuyên bố viết. “Chúng tôi kêu gọi mọi thành viên phản đối các biện pháp không tuân thủ quy tắc của WTO, tuân thủ các cam kết đã được thực hiện trong khuôn khổ WTO”.

Theo Reuters, Trung Quốc hy vọng lần này thuyết phục được ông Trump bãi bỏ kế hoạch tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dự kiến được thực thi vào thang giêng năm tới. Mức thuế nhập khẩu hiện nay là 10%.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG