Ông Tập Cận Bình thăm Thâm Quyến và thông điệp cho Hong Kong

Thăm Thâm Quyến, ông Tập gửi thông điệp rõ ràng tới Hong Kong
Thăm Thâm Quyến, ông Tập gửi thông điệp rõ ràng tới Hong Kong
TP - Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch biến Thâm Quyến trở thành trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm tài năng, thiết lập một đại đô thị thay thế vị trí của Hong Kong, trung tâm kinh tế tài chính láng giềng đang gặp khó khăn về chính trị.

Trong bài phát biểu hôm qua, ông Tập kêu gọi Thâm Quyến đi đầu trong việc phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo có giá trị cao và thu hút nhân tài quốc tế. Ông nói Thâm Quyến sẽ phát triển lĩnh vực tài chính và thương mại quốc tế - vốn là thế mạnh kinh tế của Hong Kong.

“Thâm Quyến đang phát triển thành một khu vực trình diễn cao cấp về Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, ông Tập nói tại Thâm Quyến, theo Washington Post. “Trở thành thành phố kiểu mẫu của một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại”.

Victor Gao, giáo sư tại Đại học Tô Châu của Trung Quốc cho rằng: Sự ủng hộ cấp cao nhất dành cho Thâm Quyến là một thông điệp rõ ràng đối với Hong Kong, nơi nằm ngay bên kia sông.

“Nếu anh không có sự ổn định, nếu anh bị cuốn vào cuộc cách mạng, hoặc cuộc khủng hoảng lớn, hoặc tình trạng vô chính phủ, thì các anh sẽ mất đi bất cứ lợi thế và nguồn lực nào có thể có trước đó,” giáo sư Gao nói. “Khi đó sự phát triển kinh tế của các anh sẽ đảo ngược hướng đi.”

Hong Kong, vốn được hưởng quyền tự quyết trong hầu hết các công việc cho đến năm 2047, đã trở thành cái gai đối với Bắc Kinh do các cuộc biểu tình quy mô lớn của công chúng phản đối sự thắt chặt kiểm soát của Trung Quốc.

Kể từ mùa hè năm ngoái, khi hàng triệu người xuống đường, thành phố đã bị rung chuyển bởi tình trạng bất ổn kèm theo bạo lực khi những người biểu tình yêu cầu chính quyền ở Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị của Hong Kong. Trong cuộc đàn áp sau đó, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hơn 10.000 người và cuối cùng Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

Trước phát biểu của ông Tập, Bắc Kinh đã công bố các sáng kiến kinh doanh ưu đãi mới cho Thâm Quyến, chào đón vai trò đặc biệt của thành phố như một địa phương đi đầu áp dụng các chính sách mới. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đã trì hoãn bài phát biểu chính sách hàng năm của bà dự kiến vào thứ Tư, trong một động thái chưa từng có, để có mặt tại buổi lễ, nơi ông Tập có bài phát biểu nói trên.

Ông Tập đã công du Thâm Quyến để đánh dấu dịp kỷ niệm 40 năm thành phố được chỉ định là đặc khu kinh tế, một sự kiện quan trọng giúp biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã chỉ định Thâm Quyến, một làng chài lúc bấy giờ, là nơi thử nghiệm các cải cách thị trường và thương mại quốc tế.

Vị trí của Thâm Quyến tiếp giáp với Hong Kong cũng trở nên quan trọng, khi cảnh sát vũ trang đại lục đã tập trung ở Thâm Quyến vào năm ngoái khi các cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với sáng kiến được gọi là Khu vực Vịnh Lớn, một kế hoạch chiến lược nhằm tích hợp một số đô thị phía nam, bao gồm cả Hong Kong, để tạo thành một động lực tăng trưởng trong khu vực để cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ. Ông cũng cho rằng Thâm Quyến nên có nhiều quyền tự chủ hơn - trái ngược với các động thái trong năm qua nhằm tăng cường quyền lực trung ương đối với Hong Kong.

Theo một phân tích của tạp chí Quartz, kế hoạch của Bắc Kinh đối với Thâm Quyến là trao quyền tự chủ lớn hơn trong các lĩnh vực có thể bao gồm sử dụng đất, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ và bằng sáng chế cho các đổi mới, với mục đích thu hút nhân tài toàn cầu và vốn nước ngoài. Ý tưởng là để ràng buộc chặt chẽ hơn hệ thống tài chính của Trung Quốc với thị trường toàn cầu, một phần bằng cách sử dụng Thâm Quyến làm bệ phóng cho các kế hoạch quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Có thể vì lý do đó, Thâm Quyến đã trở thành nơi thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số lớn nhất của Trung Quốc, chỉ vài ngày trước khi ông Tập đến.

Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở chính của một số công ty thành công nhất Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ viễn thông Huawei và Tencent, công ty hàng đầu về truyền thông xã hội và game online. 

MỚI - NÓNG