Ông Phạm Minh Chính: Siết kỷ cương đi đôi với bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

0:00 / 0:00
0:00
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính.
TPO - Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương phải đi đôi với bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

“Kỷ luật nhiều cũng không vui gì”

Chiều 27/3, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII tại Đại hội XIII của Đảng

Theo ông, trong nhiệm kỳ XII công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng. Nhiều vấn đề khó, phức tạp đã được đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả, chưa đạt mục tiêu đề ra thì nay đã đạt được những kết quả bước đầu. Việc đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế của hệ thống thính trị được triển khai quyết liệt. T.Ư đã ban hành đồng bộ các văn bản để thực hiện.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, trước đây có tình trạng “càng kêu gọi tinh giản thì biên chế và bộ máy lại càng tăng. Năm 2017 khi tổng kết lại thì biên chế không những không giảm mà còn tăng, bộ máy vẫn cồng kềnh.

Ông Phạm Minh Chính: Siết kỷ cương đi đôi với bảo vệ người dám nghĩ, dám làm ảnh 1

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Tuy nhiên, sau khi T.Ư ban hành Nghị quyết 18, 19 đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 12/2019, đã tinh giản 4 đầu mối trực thuộc T.Ư, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 6 tổng cục, hàng chục cục, vụ…. giảm 557 cấp xã… “Đụng đến con người, đến tổ chức bộ máy là rất nhạy cảm, cái mới bao giờ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Quan trọng là thấy đúng thì tập trung làm và trên thực tế cho thấy rất tốt”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết.

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, qua việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đã tiết kiệm ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.

Về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ông Chính cho biết, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm đã được xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh. “Kỷ luật nhiều chúng ta cũng chẳng vui vẻ gì, song trong điều kiện nước ta cần phải làm”, ông Chính nói.

Bảo vệ người năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng nêu ra một số hạn chế, như việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động.

Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. “Đây là vấn đề nhức nhối, phải kiên trì, kiên quyết hơn nữa”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Chính: Siết kỷ cương đi đôi với bảo vệ người dám nghĩ, dám làm ảnh 2

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính

Về việc nghiên cứu, xem xét ban hành cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ông Chính cho biết, trong Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cũng đặt vấn đề: “Chúng ta tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhưng lại chưa có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám đấu tranh…”.

Vừa qua, theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư xây dưng và thảo luận về cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, song vẫn thấy chưa yên tâm khi báo cáo Bộ Chính trị. Trong năm nay, theo phân công của Bộ Chính trị sẽ báo cáo sớm quy định này.

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Vừa qua, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì tốt rồi nhưng bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ. Chúng ta sẽ cố gắng làm”, ông Chính cho biết.

MỚI - NÓNG