Ông Nguyễn Thiện Nhân: Người dân TPHCM phải được hạnh phúc, có nhà ở

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đề án Đô thị thông minh sẽ tạo môi trường sống tốt, nâng cao mức sống của người dân.

Ngày 15-9, tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, UBND TP, Sở KH&ĐT TP đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) và trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Người dân TPHCM phải được hạnh phúc, có nhà ở ảnh 1 Lãnh đạo TP.HCM tham quan các mô hình ĐTTM. Ảnh: L.THOA

Người dân gặp nhà nước trên mạng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận, đối với TP.HCM, việc quản lý gắn với ĐTTM nhằm tăng trưởng kinh tế tương đối cao, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của TP đối với cả nước; tạo môi trường sống tốt, nâng cao mức sống của người dân; xây dựng chính quyền phục vụ người dân tốt, chính quyền điện tử; người dân cùng tham gia quản lý TP, đề xuất, đóng góp sáng kiến cho TP và giám sát TP. “Mỗi người dân là một cảm biến xã hội” - Bí thư Nhân khẳng định.

Theo Bí thư Nhân, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải làm tốt chức năng của mình, thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch, chính sách, cung ứng nguồn lực. Doanh nghiệp có trách nhiệm và mong muốn chấp hành luật pháp, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Tổ chức xã hội phục vụ lợi ích của cộng đồng.

“Còn người dân phải được hạnh phúc, có nhà ở, phải được đáp ứng các nhu cầu của mình, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng” - ông nhấn mạnh.

Với ĐTTM, không chỉ có nhà văn hóa, nhà hát, sân thể thao, trường học, bệnh viện là môi trường tốt để gặp gỡ giao lưu, mà còn có môi trường giao lưu qua không gian Internet, viễn thông.
“Người dân gặp nhà nước trên mạng, thanh toán và đóng góp trên mạng. Doanh nghiệp bán hàng qua mạng, nghiên cứu khách hàng qua mạng. Các tổ chức xã hội phục vụ qua mạng, người dân giao lưu với nhau qua mạng…” - Bí thư Nhân nói thêm.

Nhanh chóng triển khai ĐTTM

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin từ trước đến nay TP cũng đã tổ chức nhiều hội nghị mời gọi nhà đầu tư, tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp cũng như đi tham quan học tập kinh nghiệm nước ngoài.

“Người dân TP nghe chúng ta nói rất nhiều về ĐTTM trước khi đề án được công bố nhưng vấn đề còn lại là hành động như thế nào… Sau hội nghị này, các ngành phải nhanh chóng triển khai” - ông Phong nhấn mạnh.

Qua đó, chủ tịch UBND TP đã đề nghị ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT và Viện Nghiên cứu phát triển TP, công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM và trung tâm dự báo mô phỏng, vào ngày 23-11….

“Không thể kéo dài mãi như thế này. Phải quyết liệt thì mới đảm bảo mục tiêu đề án. Phải chứng minh bằng hành động cụ thể để người dân TP thấy rằng ĐTTM thúc đẩy kinh tế TP phát triển theo hướng bền vững như thế nào. Đừng để người dân trông đợi mãi” - ông Phong nói.

Theo chủ tịch UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện phải tuyên truyền với người dân TP cùng chung tay thực hiện ĐTTM. Vì nếu không có sự tham gia của người dân thì đề án khó lòng thành công. TP sẽ tiếp nhận các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học trong quá trình thực hiện; sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư để sớm xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM.

TP.HCM: Đô thị thông minh giải quyết kẹt xe như thế nào?

Tham luận về việc xây dựng giao thông thông minh cho TP.HCM, ông Lê Dương Lâm, Giám đốc Công ty Crowbiz, cho biết vấn đề của nhà quản lý giao thông là làm sao kết nối phương tiện, hạ tầng, lộ trình, con người tham gia giao thông… để có thể vận hành bộ máy giao thông tốt hơn.

Để người tham gia giao thông khi đăng ký lộ trình thì nhận được lộ trình tốt nhất, tránh điểm kẹt xe.

Đối với vấn đề ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất: Làm chủ tất cả lộ trình vào sân bay. Nếu đồng bộ hóa thông tin thì kiểm soát được lượng xe đổ ra đường và cả lộ trình. Còn ở cảng Cát Lái, sẽ kết nối cảng vụ, tài xế, lộ trình, để nhận trả hàng tuần tự theo thời gian, theo luật xếp hàng. Hơn nữa, đô thị hẻm có thể dùng để điều tiết, phân tán lượng xe từ vùng mật độ cao sang vùng mật độ thấp.

Đặc biệt, với 335 triệu m2 diện tích mặt nước có thể quy hoạch thành chuỗi bãi xe nổi, bến bãi container hướng sông kênh rạch, phát triển giao thông thủy. Từ đó có thể sử dụng sà lan vận chuyển hàng hóa thay vì đường bộ. 100 sà lan có thể vận chuyển bằng 10.000 xe container.

Theo Theo Pháp luật TP.HCM
MỚI - NÓNG