Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ Hồ Duy Hải

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báoẢnh: Như Ý
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báoẢnh: Như Ý
TP - Chiều 18/5, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự và vụ án Hồ Duy Hải.

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, phóng viên đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị tiến hành giám sát và đề nghị TAND Tối cao xem xét lại quyết định này. Vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được ý kiến kiến nghị của các đại biểu Quốc hội chưa và hướng xử lý vấn đề này ra sao?

Trả lời về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã công bố quyết định Giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, theo đó giữ nguyên bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, xử phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản.

Theo ông Phúc, sau đó, một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, gửi văn bản cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát tối cao do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn giám sát về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Đoàn giám sát cũng đã báo cáo Quốc hội chi tiết về vụ án trên.

“Thời điểm đó, gia đình bị cáo liên tục kêu oan, dư luận trong nước và nhiều tổ chức quốc tế cũng lên tiếng. Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật”, ông Phúc cho hay.

“Miễn nhiệm” chứ không phải “bãi nhiệm”

Tại buổi họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề nhân sự, trong đó có phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và miễn nhiệm Trưởng Ban dân nguyện với bà Nguyễn Thanh Hải.

Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải, vừa qua, ông Vương Đình Huệ đã được phân công làm Bí thư Thành Ủy Hà Nội. “Quốc hội tiến hành phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng với ông Vương Đình Huệ để thuyên chuyển làm công tác khác”, ông Phúc nói.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được miễn nhiệm vì lý do tương tự. “Tới đây Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải được điều động sang làm nhiệm vụ khác nên Quốc hội miễn nhiệm”, ông Phúc nói.

Thu nhập trên 11 triệu đồng mới phải đóng thuế

Trả lời câu hỏi liên quan tới thuế thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tại phiên họp mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng theo tờ trình của Chính phủ.

Ông Giang cho biết, theo Ủy quyền của Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quyền quyết định đối tượng nào chịu thuế, mà chỉ quyết định điều chỉnh mức tăng giảm trừ gia cảnh nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. “Thực tế từ năm 2013 đến nay CPI đã tăng 23,2%. Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI”, ông Giang nói.

Theo tờ trình Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức giảm trừ gia cảnh được nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc nâng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, kể từ năm 2020, người có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên mới phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu phải nuôi người phụ thuộc thì sẽ được cộng thêm 4,4 triệu đồng mỗi trường hợp. Chẳng hạn, nếu phải nuôi 1 con nhỏ thì mức thu nhập phải từ 15,4 triệu đồng/tháng trở lên mới phải đóng thuế.

Tuy nhiên, góp ý trước đó, nhiều chuyên gia đánh giá mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là “lạc hậu” so với tình hình thực tế hiện nay.

Tại kỳ họp 9, Quốc hội không chất vấn trực tiếp như thường lệ, mà sẽ trả lời chất vấn bằng văn bản. Đây là kỳ họp đầu tiên trong tổng số 14 nhiệm kỳ Quốc hội tổ chức theo phương thức trực tuyến.

“Chưa có chứng cứ trực tiếp khẳng định Hồ Duy Hải giết người”
Ngày 18/5, tiếp xúc với cử tri TPHCM trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao nói việc kháng nghị xem xét lại vụ án Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An) là có căn cứ, đúng thẩm quyền và pháp luật bởi đến nay chưa có chứng cứ trực tiếp khẳng định tử tù Hồ Duy Hải phạm tội giết người. Ông Trí cho biết hai ngày trước Viện KSND Tối cao đã có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền về vụ án Hồ Duy Hải. “Hồ sơ vụ án còn nhiều nội dung chưa rõ, thậm chí mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa hiện trường, lời khai... nên mới kháng nghị đề nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại nhằm xem xét Hồ Duy Hải có phạm tội hay không một cách thận trọng, khách quan, đảm bảo bảo vệ được tính mạng con người khi chưa có một chứng cứ trực tiếp nào khẳng định có việc giết người hay không", ông Lê Minh Trí nói.
Huy Thịnh

MỚI - NÓNG