Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tặng quà Tết sẽ có nhưng khó phát hiện

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
TPO - “Tình trạng quà cáp vào mỗi dịp Tết kiểu gì cũng có, vì nó đã tồn tại từ lâu chứ không phải võ đoán. Nếu nói không thì không đúng, nói có người dân sẽ tin hơn là nói không, nhưng đó là ai thì chịu”, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận.

Trao đổi với phóng viên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thăm hỏi, tặng quà theo nghĩa thân tình là chuyện bình thường, nhưng việc tặng quà Tết vì mục đích vụ lợi, chia lợi ích rất khó có bằng chứng.

Phải phân biệt rất rõ giữa việc ngăn ngừa quà cáp để phòng chống tham nhũng với biếu tặng quà Tết theo một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tình cảm, quan hệ họ hàng thân thích, bạn bè bằng hữu... 

“Tôi cũng đi Tết thầy cô, hay tôi cũng đi phát quà cho đồng bào dân tộc, cái đó có gọi là quà Tết không? Chắc chắn nó không rơi vào khái niệm mà chỉ thị 11 đề cập”, ông Nhưỡng nói.

Đề cập đến con số giảm 70% về Hà Nội chúc Tết, theo ông Nhưỡng, người dân trong khu dân cư cũng thắc mắc, không biết thống kê kiểu gì, ai thống kê? Rồi việc bộ trưởng nói không với quà Tết, cũng không có cơ sở đánh giá đúng hay không và đúng ở mức độ nào.  

“Người ta cũng nói, nếu không đưa tiền thì họ có thể đưa cái này, cái kia, không biếu trực tiếp thì biếu qua tài khoản... Nhìn chung, vấn đề này rất phức tạp, không thể đánh giá được”, ĐB Nhưỡng cho hay.

Mặc dù vậy, ĐB cũng khẳng định: “Tình trạng quà cáp vào mỗi dịp Tết kiểu gì cũng phải có, vì cái đó đã tồn tại từ lâu rồi chứ không phải võ đoán. Nếu nói không thì không đúng, nói có người dân sẽ tin hơn là nói không, nhưng đó là ai thì chịu. 

Ngay báo cáo cũng nói tham nhũng rất tinh vi, như vậy thì người dân làm sao có đủ cơ sở, đủ thời gian để phát hiện?”, ông Nhưỡng nêu.

Đề cập đến giải pháp ngăn ngừa, ĐB Nhưỡng cho rằng, phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, phải thường xuyên hơn nữa chứ không chỉ có đến dịp Tết mới làm. Thứ nữa cần phải giám sát chặt chẽ các công trình, để họ không thể rút ruột được. Khi ĐBQH nêu bất cập trong cổ phần hoá, hay trong mỗi dự án phải vào cuộc, xử lý ngay.

Đặc biệt, ông cũng lưu ý đến giải pháp tăng cường khâu giám sát. Việc này, có thể làm thí điểm ở một khu vực nào đó. Trên cơ sở đó, sẽ có một lực lượng giám sát, thậm chí cả nhà báo cùng tham gia.

Trước đó, tại phiên họp báo thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đánh giá các tỉnh về Hà Nội chúc Tết giảm 70% chỉ là con số ước lượng. Ông cũng cho hay, sau khi ký văn bản về việc không chúc Tết, Văn phòng Chính phủ không ghi nhận bất cứ trường hợp nào chúc Tết.

MỚI - NÓNG