Ông Lưu Bình Nhưỡng: Có thể mất mạng chỉ vì một kết luận giám định

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng- Bến Tre. Ảnh Như Ý.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng- Bến Tre. Ảnh Như Ý.
TPO - “Giám định được coi là bản án thứ nhất, nếu chúng ta không làm nghiêm từ khâu giám định có thể dẫn đến hậu quả vô cùng khôn lường. Một người có thể bị tước đoạt đi mạng sống chỉ vì một kết luận giám định”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, sáng 25/11, ĐB Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác giám định hiện nay đang gặp nhiều bất cập. Việc bổ nhiệm giám định viên trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ hết sức khó khăn, do không tìm được người phù hợp hoặc có trường hợp từ chối không muốn làm giám định viên.

Đặc biệt, theo bà Hoa, giám định viên còn có tâm lý e ngại, sợ gặp rủi ro về mặt pháp lý, không muốn tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập, Một số bộ, ngành có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, từ chối không thực hiện quyết định trưng cầu giám định. Có vụ việc bộ, ngành từ chối giám định khi chưa có quyết định khởi tố vụ án. Đây là những hạn chế có tính chất chủ quan, cần khẩn trương khắc phục trong thời gian tới”, bà Hoa đề nghị.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Có thể mất mạng chỉ vì một kết luận giám định ảnh 1 Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (ảnh Như Ý)

Từ thực tế hoạt động ở Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, “kết luận giám định tư pháp được coi như bản án thứ nhất”, dựa vào kết luận này có thể biết được có tội hay không có tội, nặng hay nhẹ, sống hay chết, thắng hay thua?

Vì thế, ông Nhưỡng đề nghị nên đưa vào một quy định về vấn đề xếp hạng các tổ chức, người giám định và cơ quan giám định. Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng bày tỏ sự đồng tình với việc để cho các cơ quan tố tụng tham khảo ý kiến các chuyên gia để làm rõ các nội dung của giám định.

Theo ông Nhưỡng, thực hiện điều này không ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan tư pháp mà chỉ là làm rõ vấn đề. Ví dụ như vụ bác sỹ Hoàng Công Lương, có nhà khoa học khẳng định rằng phương pháp giám định như thế không ổn, mới dẫn đến nhận định là có tội. Nhưng nếu theo phương pháp và của các chuyên gia thì người ta khẳng định rằng làm như thế sẽ đảm bảo rằng Hoàng Công Lương không có tội.

“Giám định được coi là bản án thứ nhất, nếu chúng ta không làm nghiêm từ khâu giám định có thể dẫn đến hậu quả vô cùng khôn lường. Một người có thể bị tước đoạt đi mạng sống chỉ vì một kết luận giám định”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Giải trình ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp lần này chỉ tập trung sửa một số vấn đề rất cấp bách, phục vụ trực tiếp cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Từ thực tế, ông Long cho biết, trong các vụ án vừa qua có hiện tượng các cơ quan lấy lý do này, lý do khác, không chủ động hoặc né tránh tham gia giám định. Chính vì thế, nếu không quy định rõ thời hạn thực hiện giám định sẽ rất khó cho việc kết luận, xử lý các vụ án.

MỚI - NÓNG