Tướng Lê Qúy Vương: Giám định vụ Vũ 'nhôm', Út 'trọc' rất khó khăn

Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an
Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an
TPO - Theo Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, quá trình điều tra vụ việc về kinh tế rất khó khăn, một vụ án nhưng phải trưng cầu rất nhiều Bộ, ngành, như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và một số vụ án liên quan đất đai .

Ngày 5/9, tiếp tục phiên họp toàn thể, Uỷ ban Tư pháp cho ý kiến về kết quả giám sát “việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. Đoàn giám sát cho biết, theo báo cáo đến hết năm 2018, tổng số giám định viên tư pháp trên toàn quốc ở các lĩnh vực là 6.154 người.

Tổng số vụ, việc giám định pháp y của Viện Pháp y quốc gia, giám định pháp y trong Công an nhân dân, giám định pháp y của Bộ Quốc phòng hơn 95 nghìn vụ, việc. Tổng số vụ việc giám định pháp y của Trung tâm pháp y 47 tỉnh, thành trong cả nước gửi đến đoàn giám sát hơn 208 nghìn vụ, việc.

Đoàn giám sát chỉ ra rằng, ở một số Bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm tới việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm giám định viên trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ cao…hiện nay hết sức khó khăn.

Theo Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, vướng mắc nhất hiện nay là hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp liên quan đến các vụ việc và quy chuẩn giám định liên quan trách nhiệm cán bộ. Theo ông Vương, giám định theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hoá thông tin, tài nguyên môi trường là rất khó khăn, có những vụ việc đến nay vẫn phải chờ.

Thứ trưởng Công an dẫn chứng, vừa qua điều tra các vụ đầu tư liên quan đến Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) của Tập đoàn dầu khí Quốc gia, dự án Ethanol, hay Công ty gang thép Thái Nguyên đang thực hiện, do thiết bị mua ở nước ngoài nên điều tra xác minh khó, phải phối hợp tương trợ tư pháp hình sự. Mặt khác, khi đề nghị giám định lại phải có quyết toán, thanh toán mới kết luận được, nên rất khó.

Bên cạnh đó, theo ông Vương, quá trình điều tra vụ việc về kinh tế cũng rất khó khăn, một vụ án nhưng phải trưng cầu rất nhiều Bộ, ngành, như vừa qua điều tra vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và một số vụ án liên quan đất đai vừa làm, đang làm. Nếu nói đến công trình, vấn đề số một là đất, giao thông thì thiết kế, tác động môi trường là Bộ KH&CN…cuối cùng là tài chính, quyết toán. Tất cả đều móc xích với nhau nên yêu cầu có nhiều giám định.

Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, giám định viên cần trình độ cao hơn, vì còn phải ra toà tham gia tố tụng, trình bày quan điểm của cơ quan giám định. Như vừa qua, Viện Khoa học hình sự phải ra ngồi trước toà, trình bày quan điểm những vụ án trên Hoà Bình, tại sao như thế, nguyên nhân ra sao…

Cũng theo Thượng tướng Lê Qúy Vương, quy định về chi phí giám định cần phải được phân tích rõ, khắc phục những bất cập hiện nay. Ông ví dụ làm vụ án đường ống nước Sông Đà bị vỡ, giám định mất hơn 2 tỷ đồng, đến giờ không biết trả xong chưa, rất phức tạp, vì liên quan đến khâu sử dụng máy.

Hay vụ Phan Văn Anh Vũ đang phải làm rất nhiều giám định, với 31 nhà công sở, 9 dự án đất đai, địa phương làm không xuể nên tồn đọng. Chính vì vậy Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình mới chỉ đạo Bộ Tài chính thành lập tổ chức giám định. Ông Vương đề nghị phải quan tâm thêm về vấn đề phí và chi phí giám định trong luật.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Thẩm phán cao cấp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là chi phí giám định cao. Đơn cử, một vụ pháp y tâm thần cũng trên dưới 30 triệu đồng, điều đó dễ dẫn đến tình trạng cơ quan nọ đùn đẩy cơ quan kia, làm vụ án kéo dài. “Tôi từng đề nghị giám định một vụ việc nhưng không được, vì không cơ quan nào giám định, dẫn đến vụ án kéo dài tới 11 năm”, ông Hữu nêu và đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm giám định thuộc cơ quan nào.

Ngoài thiếu giám định viên trong lĩnh vực chuyên môn, theo ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, nhiều Bộ, ngành còn xem việc giám định tư pháp không thuộc trách nhiệm của mình, hoặc có cũng chỉ coi là phụ thôi, nên chưa có sự đầu tư, quan tâm xứng đáng.

Ông dẫn chứng về câu chuyện cà phê Trung Nguyên, theo ông Dũng, nếu “bên kia” (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) yêu cầu giám định tâm thần ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trường hợp ông Vũ không đủ năng lực hành vi dân sự thì họ được toàn quyền điều hành công ty, rất phức tạp, không thể xem nhẹ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.