Rất khó chứng minh được hành vi vụ lợi trong các vụ án tham nhũng

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường
TPO - “Án tham nhũng thì phải chứng minh được yếu tố vụ lợi, mà chứng minh điều này thường rất khó khăn. Nhiều vụ việc không chứng minh được yếu tố vụ lợi nên chỉ quy về án kinh tế”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu.

Chiều 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Cho ý kiến về dự án này, nhiều đại biểu đề nghị lần sửa đổi này phải khắc phục được sự chồng chéo giữa cơ quan kiểm toán với thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, kế hoạch kiểm toán hàng năm làm trung tâm, và cơ quan kiểm toán phải phối hợp với thanh tra, kiểm tra để ban hành kế hoạch hàng năm cho khỏi chồng chéo. Việc bổ sung đối tượng, hay xây dựng kế hoạch phải rà soát, tránh trùng lắp, và không kiểm toán đơn vị đã nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Đồng tình với quy định về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, tuy nhiên, đại biểu Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) đề nghị cân nhắc với quy định cơ quan kiểm toán được giám định tư pháp với các vụ án tham nhũng, vì kiểm toán không có đội ngũ giám định tư pháp theo vụ việc, và trên thực tế cũng chưa thấy thực hiện việc này. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị kiểm toán phải làm tốt hơn trong việc phát hiện khoảng trống trong thực hiện cơ chế chính sách tài sản công, tài chính công.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi quy định chung, và từng lĩnh vực cụ thể, luật chuyên ngành phải quy định. Chính vì vậy, Luật Kiểm toán cần quy định cụ thể về vấn đề này.

Trong giám định tư pháp, theo ông Cường, nếu chỉ quy định với vụ án tham nhũng thì rất hẹp, cần xem xét cho bao quát hơn. Bởi hiện nay các vụ án chủ yếu là án kinh tế, còn án tham nhũng thì rất ít. “Nhiều trường hợp không chứng minh được yếu tố vụ lợi, nên chỉ quy về án kinh tế”, ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Cường cùng một số đại biểu khác đề nghị phải quy định rõ thời gian công khai báo cáo kiểm toán. Việc không quy định thời hạn công khai, sẽ làm giảm ý nghĩa, hoặc làm vô hiệu hóa quy định này.

“Việc tiếp xúc với báo cáo kiểm toán thường rất khó khăn, nên cần phải quy định rõ về thời hạn kiểm toán”, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu. Bên cạnh đó, ĐB Cường cũng cho rằng, báo cáo kiểm toán hàng năm lần nào cũng phát hiện sai phạm, nếu tăng cường cho hoạt động kiểm toán, so sánh giữa chi phí bỏ ra với truy thu về, sẽ có nguồn tiền lớn, và cái lớn hơn là có thể chống được tham nhũng, sai phạm.

Chính vì thế, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị cơ quan kiểm toán có thể kiểm toán được tất cả các lĩnh vực liên quan đến thu chi ngân sách. Kiểm toán phải lần theo dấu vết của dòng tiền ngân sách, xem có vi phạm gì hay không?

Tuy nhiên để có thể kiểm soát được quyền lực, ông cũng đề nghị cần phải có đơn vị kiểm toán độc lập, có thể kiểm toán lại hoạt động kiểm toán, điều này các nước vẫn làm.

Tiếp thu giải trình, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, đối với công tác giám định tư pháp, điều này được xuất phát từ thực tiễn, cơ quan điều tra liên tiếp đề nghị KTNN thực hiện. Tuy nhiên đối chiếu vào Luật Giám định tư pháp lại không quy định, nên KTNN phải từ chối. Theo ông Hồ Đức Phớc, KTNN có trình độ chuyên môn cao trong tài chính ngân sách, nên có thể làm được.

“Nếu được giao, chúng tôi sẵn sàng tham gia, dù nhiệm vụ này hết sức khó khăn mà ít cơ quan nào đảm nhiệm”, ông Phớc nói.

MỚI - NÓNG