Tại buổi toạ đàm “Có nên xuống tiền trong cơn say đất nền”, ông Châu cho biết, TPHCM hiện có hơn 3 triệu người nhập cư. Trong đó, nhà đất tại quận 1 và quận 3 luôn là điểm đến dành cho người có tiền. Trên địa bàn đang có lượng nguồn cung tách thửa phân lô bán nền một cách tràn lan, trái với quyết định 33. Thị trường có đội ngũ đầu nậu cũng lợi dụng quyết định 33 để tách thửa nhưng vẫn có giấy tờ chứng nhận đầy đủ. Qua tìm hiểu, thật ra tiền thật đầu nậu mua một m2 đất chỉ 5 triệu đồng, nhưng các đầu nậu đã đẩy gia ra thị trường rất cao. Đầu nậu và cò đất chính là thủ phạm gây ra cơn sốt đất ảo hiện nay tại TP.HCM.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, cơn sốt lần này khác biệt bởi chỉ nằm ở phân khúc đất nền mà không phải đất nền thuộc các dự án bất động sản chính quy mà lại là đất nền nằm tại các vùng ven. Đặc biệt, tính chất của cơn sốt lần này liên quan đến việc thông qua vấn đề tách thửa, phân lô bán nền trong đó giới đầu nậu, cò đất núp bóng chủ đất nền mức độ tác động không lớn đến toàn bộ thị trường.
Ông Châu nhận định, nếu so với năm 2007, cơn sốt bất động sản thể hiện rất rõ nét ở phân khúc nhà ở cao cấp, thì lần này lại là đất phân lô bán nền tại nhiều vùng ven của TP.HCM. Năm 2007 và 2010 tính chất của cơn sốt nghiêm trọng hơn đến mức độ Chính phủ phải ban hành các Nghị quyết thất chặt tín dụng, do vậy thị trường từ chỗ bong bóng rơi vào đóng băng. Còn cơn sốt lần này chưa đạt đến mức độ như thế, Chính phủ không phải ra các văn bản điều tiết. Trong khi đó Chính phủ lại đang thực hiện lộ trình thắt chặt tín dụng vào bất động sản nên không tác động đến cả thị trường mà chỉ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và nhà đầu tư thức cấp trong phân khúc này.
“Các ngân hàng thương mại cũng giữ một vai trò, đó là cung ứng nguồn tín dụng tiêu dùng (vay để mua nhà, xây nhà) và con số này hiện chiếm tỷ trọng khoảng trên dưới 10% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trong 5 tháng đầu năm 2017. Do vậy, ngân hàng nhà nước đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn tín dụng vào bất động sản, kể cả dưới hình thức cho vay tiêu dùng”, ông Châu nói.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc công ty Him Lam Land cho rằng việc mua bán phải theo quy luật cung cầu, nhưng vẫn phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo thị trường minh bạch. Khi cung - cầu đúng, cầu thực thì không nói nhưng khi cung - cầu ảo làm méo mó thị trường, tạo nên sự sốt ảo. Vì vậy, phải có sự can thiệp của nhà nước bằng các chính sách phù hợp để điều tiết, điều chỉnh thông tin cho thị trường.
"Nhà đầu tư bất động sản cá nhân cần theo dõi thông tin chính thức từ các nguồn thông tin tin cậy như nguồn tin từ UBND TP.HCM, các sở ngành chứ không nên nghe các thông tin đồn thổi từ những nguồn không đáng tin cậy", ông Phan Công Chánh - chuyên gia BĐS độc lập nói.