Ông Huỳnh Văn Nén có phải trở lại trại giam?

Ông Huỳnh Văn Nén chia sẻ với bà Nguyễn Thị Tiến - em vợ ông, cũng là một bị án oan trong “vụ án vườn điều”. Ảnh: Nguyễn Đình Quân
Ông Huỳnh Văn Nén chia sẻ với bà Nguyễn Thị Tiến - em vợ ông, cũng là một bị án oan trong “vụ án vườn điều”. Ảnh: Nguyễn Đình Quân
TP - “Khi nghe công an bảo vào đón em tôi, tôi cứ quýnh lên, bật khóc lúc thấy em tôi bước ra”, khóe mắt bà Huỳnh Kim Ngân - chị ruột ông Huỳnh Văn Nén ngân ngấn nước.

Nước mắt mừng tủi   

Bà Ngân kể, chiều 21/10, Đại tá Cao Đăng Nguyên, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận điện thoại cho vợ chồng bà Ngân, bảo làm đơn xin bảo lãnh cho ông Nén tại ngoại để chữa bệnh. Đêm hôm đó vợ chồng bà thao thức không ngủ được, vừa hy vọng vừa lo lắng. Chiều 22/10, vợ chồng bà Ngân cùng ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay xã Tân Minh  tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Phúc và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân) đến Trại tạm giam, Công an tỉnh Bình Thuận để đón ông Nén.

Căn nhà vợ con ông Nén đang ở tại khu phố 2, thị trấn Tân Minh tuềnh toàng chỉ có tường gạch thô, mái tôn dột. Nhưng theo ông Nén, sau 17 năm 5 tháng 5 ngày ở trong 4 bức tường phòng giam, nay được hưởng cảm giác tự do trong căn nhà của mình là diễm phúc lớn. Khoảng hai tuần trước, ông được cán bộ Trại tạm giam bảo làm đơn xin tại ngoại. 

Sáng ngày 22/10, một lần nữa ông được bảo làm đơn xin tại ngoại. Đến khoảng 16h20 cùng ngày, ông vừa ăn cơm xong thì có cán bộ nói thu xếp đồ đạc. Lúc đầu, ông cứ nghĩ là lại sắp chuyển đi chỗ khác. Khi nghe nói được về, ông bàng hoàng phát run, ra đến cổng trại ông xin “anh trật tự” hai điếu thuốc, hút hết hai điếu mà vẫn chưa hết run. “Ở trong trại lâu quá rồi, ra cuộc đời gặp được chị gái và anh rể, gặp được thầy Thận tôi quá vui, càng run nữa”.

Ông Huỳnh Văn Nén có phải trở lại trại giam? ảnh 1

Bố ông Nén (ngồi giữa) luôn tin con mình vô tội, bìa phải là ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Nén đang kể về giây phút được ra khỏi trại giam thì chị Nguyễn Thị Tiến, em vợ ông từ Bình Dương về, ào chạy vào ôm lấy ông. Trong “vụ án vườn điều” oan sai mà ông Nén và 9 người nữa ở đại gia đình bên vợ ông là bị can, bị cáo, chị Tiến bị giam 5 năm. “Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau này, anh ơi. Em ở tù 5 năm đã quá đau, quá tủi, quá ê chề, mà anh ở tận hơn 17 năm”- chị Tiến vừa nói vừa khóc.   

Ông Nén tin mình không phải trở lại trại giam

Ông Huỳnh Văn Nén có phải trở lại trại giam? ảnh 2

Ông Nén cho phóng viên xem chân có vết sẹo dài.

Từ năm 2000, cụ Huỳnh Văn Truyện- bố đẻ ông Huỳnh Văn Nén đã kiên trì, quyết liệt đi nhiều nơi kêu oan cho con trai. Tối 22/10 nghe tin ông Nén được tạm tha, dù đã 91 tuổi, sức khỏe kém, cụ Truyện  vẫn một mình từ huyện Thới Bình (Cà Mau) lặn lội bắt xe đò ra thị trấn Tân Minh. Vui vì được gặp con trai, nhưng cụ Truyện tỏ ra không bằng lòng với việc ông Nén chỉ được tạm tha. Theo cụ, cơ quan pháp luật cần có văn bản khẳng định ông Nén bị oan, còn tạm tha tức là vẫn cho rằng ông Nén có tội...    

“Tôi đã đặt chân về nhà thì chắc ăn trăm phần trăm tôi được ở nhà luôn, vì có nhân chứng vật chứng chứng minh tôi vô tội”, ông Nén nói. Theo ông Nén, ngoài nhân chứng về sự ngoại phạm của ông, còn có một chứng cứ pháp lý nữa để khẳng định ông không phạm tội giết bà Bông. 

Tại hiện trường bà Bông bị giết ngày 23/4/1988, cơ quan điều tra thu thập được dấu chân của hai người, kích thước khác dấu chân của ông Nén. Đây là một cơ sở để cho rằng ông Nén không phải là thủ phạm giết bà Bông. 

Tuy nhiên, theo ông Nén, còn có một bằng chứng mạnh mẽ hơn nữa. Trước khi bà Bông bị giết, ông Nén từng bị đá cứa rách gan bàn chân phải, phải khâu 5 mũi và để lại vết sẹo dài. 

Những dấu chân của ông Nén mà cơ quan điều tra trực tiếp lấy đều có vết này, nhưng những dấu chân ở hiện trường không có. Ông Nguyễn Thận cũng tin rằng, các cơ quan pháp luật có thẩm quyền sẽ sớm tuyên ông Nén vô tội,  để ông không phải quay lại trại giam. 

Diễn biến chính vụ án

- Ngày 23/4/1998: Xảy ra vụ án mạng tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nạn nhân là bà Lê Thị Bông bị giết tại nhà (xiết cổ bằng sợi dây), hung thủ cướp đi một chiếc nhẫn vàng.

- Ngày 17/5/1998: Nghi can Huỳnh Văn Nén bị Công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ, lý do trong một cuộc nhậu ông Nén nói bô bô chính ông Nén sát hại bà Bông.

- Ngày 31/8/2000: TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội giết người, 03 năm tù về tội cướp tài sản, 02 năm tù về tội cố ý hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt tù chung thân.

- Ngày 03/9/2000: UBND xã Tân Minh nhận đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Phúc Thành. Theo đó, hung thủ giết bà Bông cướp 1 chỉ vàng là hai đối tượng nghiện ngập, trộm cắp trong xã, Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (nay Việt đã chết, còn Thọ lập tức rời khỏi địa phương từ khi xảy ra vụ án bà Bông).

- Ngày 12/12/2000: Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, vì xác định đơn kháng cáo của Huỳnh Văn Nén quá hạn.

- Ngày 24/10/2014: Viện trưởng Viện KSND Tối cao ký Kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

- Ngày 12/11/2014: TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, chấp nhận Kháng nghị của Viện KSND Tối cao, tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.

- Ngày 06/01/2015: Công an tỉnh Bình Thuận tiếp nhận hồ sơ vụ án, phục hồi điều tra, tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam ông Nén.

- Ngày 22/10/2015: Viện KSND tỉnh Bình Thuận thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Nén được tại ngoại để hầu tra, do sức khỏe kém và có người nhà bảo lãnh. Sau gần 17 năm rưỡi bị tù giam, lần đầu tiên ông Nén được tự do.

Đ.A.T (tổng hợp)


MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.