Ông Hồ Đức Phớc: Kiểm toán phải nêu gương trong phòng chống tham nhũng

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc
TPO - Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc lưu ý, nếu cơ quan kiểm toán mà không nắm chắc pháp luật, hoặc không coi trọng nghiệp vụ thì dễ đưa ra kết luận sai, từ đó gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín của ngành.

Chiều 15/1, Kiểm toán nhà nước tổ chức tọa đàm kiểm toán hoạt động ngân sách cấp huyện. Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dù là một cuộc kiểm toán loại hình gì thì bao giờ cũng được lồng ghép, trong kiểm toán hoạt động có kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính. Tuy nhiên, từ các cuộc kiểm toán hoạt động sẽ tìm ra trách nhiệm trong quản lý, điều hành, quản lý đầu tư công, tài chính công của người đứng đầu.

“Lâu nay chúng ta chỉ kiểm toán về tài chính và kiểm toán tuân thủ, cùng lắm chỉ đến được với cấp Ban quản lý dự án. Chỉ có kiểm toán hoạt động mới làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Phải đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện, triển khai dự án đầu tư thì mới đánh giá được trách nhiệm của chủ đầu tư, rồi đến trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu như Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp Bộ, ngành. Những vi phạm trong đấu thầu, chỉ định thầu… cứ dồn lên và người quản lý phải chịu trách nhiệm, như vậy kiểm toán mới làm rung chuyển”, ông Phớc cho hay.

Ông Phớc dẫn dụ, khi kiểm toán ngân sách cấp huyện, thay vì giao dự toán không đúng quy định, bên ra Nghị quyết là HĐND, nhưng trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách liên quan đến các khoản chi ngoài thì có trách nhiệm của ông chủ tịch UBND trong quản lý điều hành. Cần phải làm rõ, xem việc thực hiện quy định về quản lý ngân sách của ông có đúng không?

Ông Hồ Đức Phớc lưu ý, sau cuộc kiểm toán, mỗi đoàn phải ngồi lại, trao đổi thậm chí tranh luận với nhau, đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó mới có kết luận, kiến nghị đúng, mới tạo ra sự rung chuyển. Theo ông, nếu cơ quan kiểm toán mà không nắm chắc được pháp luật, hoặc không coi trọng nghiệp vụ thì dễ đưa ra kết luận sai, từ đó gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín của ngành.

Đặc biệt Tổng Kiểm toán cũng nhấn mạnh, tới đây ngành sẽ phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều lần khi Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ trách nhiệm với thanh tra, kiểm toán. “Các đối tượng được kiểm toán có quyền kiện chúng ta ra tòa. Chúng ta và đối tượng được kiểm toán bình đẳng trước pháp luật và người phán quyết đúng sai là quan tòa. Cho nên kiểm toán viên phải tinh thông về nghiệp vụ, nắm chắc về pháp luật và phải có phương pháp tốt, như vậy mới đưa ra kết luận đúng”, Tổng kiểm toán cho hay.

Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, trong năm 2019, ngành kiểm toán đã xử lý tài chính 72 nghìn tỷ đồng, chuyển 82 vụ việc cho các cơ quan, trong đó có 5 vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra… Trong đó các đoàn viên thanh niên trong ngành kiểm toán có vai trò quan trọng, tạo ra sức sống của Kiểm toán nhà nước, nên phải tranh luận, không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đóng góp nhiều hơn cho ngành và cho đất nước.

“Bản thân tôi cũng thường xuyên phải tranh luận ngay tại diễn đàn Quốc hội cũng như tại cuộc họp Chính phủ, tranh luận với các Bộ, ngành, các cơ quan thanh tra khi có kết quả trái ngược với Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán cũng giống như phi công, càng bay nhiều giờ càng có nhiều kinh nghiệm.

Khi đúc rút được nhiều kinh nghiệm, có nhiều sáng tạo mới, từ đó người ta sẽ nhìn kiểm toán chúng ta bằng con mắt khác, còn nếu cứ theo lối mòn, không đổi mới cải cách thì chúng ta sẽ thất bại”, ông nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề đạo đức công vụ, Tổng kiểm toán viện dẫn trường hợp vừa qua cơ quan thanh tra đi kiểm toán ở một địa phương, đã tiến hành lập biên bản vì hối lộ đoàn thanh tra. “Sau khi yêu cầu đứng nghiêm, lập biên bản, họ run rẩy khóc và xin xỏ. Ngành kiểm toán phải đề cao giá trị, đạo đức nghiệp vụ, đặc biệt chúng ta đang thực hiện chống tham nhũng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng, nên ngành mình phải nêu gương”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.