Năm 1994, ông Đỗ Minh Phú quyết định rời bỏ vị trí cao của 1 công ty liên doanh với mức lương rất cao 500 USD để ra lập doanh nghiệp riêng. “Tôi lựa chọn việc mở công ty, không biết bao nhiêu phần trăm thắng nhưng biết sẽ thành công”, Chủ tịch Doji ngày ấy mở đầu. Chiêm nghiệm mình đã trải qua hầu hết thành bại, thăng trầm của một doanh nhân, ông Đỗ Minh Phú cho rằng nếu có kiếp sau, ông mong muốn có những trải nghiệm khác như làm văn nghệ sỹ hay nhà truyền giáo…
TPbank đã tái cơ cấu thành công và đang vươn lên trong nhóm dẫn đầu NH số.
“Tay ngang” lao vào ngân hàng
TPBank từng là 1 trong 9 ngân hàng TMCP phải tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015. Cách đây 5 năm, ông đã bỏ “tiền tươi thóc thật” vào nhà băng này. Vượt qua rất nhiều thử thách cuối cùng đã tái cơ cấu thành công. Cảm giác của ông thế nào?
Quyết định đầu tư vào vào Ngân hàng Tiên phong lúc đó với tôi như “lao đầu vào đá”. TiênPhong Bank khi đó có 3 cái tôi gọi là 3 “không”. 1/không có cách đúng, cách chuẩn để phát triển của 1 NHTM; 2/ Không có một đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực; 3/ Không có đủ công nghệ. Làm thế nào để làm được đối với tôi khi đó gần như là việc bất khả thi.
Sau này có nhiều bài báo viết rằng không thực thì không vực được ngân hàng yếu kém. Điều này rất đúng. Bởi khi đó, chúng tôi có nguồn vốn thực (tôi và em trai Đỗ Anh Tú sau khi bán hết cổ phần tại Diana đã dồn toàn bộ tiền vào). Do đó, TPBank may mắn không phải loay hoay tìm nguồn tiền.
Ngoài ra, cần phải có một sự quản trị thực của NH mà ở đây vai trò của những lãnh đạo NH rất quan trọng họ quản trị thực. Cùng đó, cần ban điều hành thực sự. Chính 3 yếu tố thực này đã giúp TPbank tái cơ cấu thành công.
Trên cương vị chủ tịch một nhà băng, theo ông, sự khác biệt lớn nhất trong điều hành 1 ngân hàng (NH) và 1 doanh nghiệp (DN) là gì?
NH cũng là DN và mục tiêu quan trọng sống còn của ngân hàng đó là phải làm ra lợi nhuận.Nhưng có những điểm khác nhau ví như NH là kinh doanh bằng niềm tin; DN kinh doanh bằng sản phẩm, NH có cấp trên là Ngân hàng Nhà nước còn DN không có cấp trên; NH bị lỗ vẫn có tiền trả cho nhân viên nhưng DN bị lỗ thì chỉ có thể húp cháo; chính vì vậy việc tìm hiểu nắm bắt được một NH không dễ dàng.
Vậy, ông tâm đắc nhất điều gì đã làm được ở TPBank?
Anh Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB có lần hỏi tôi. Anh ý nói rằng là ở vị trí như của tôi niềm tự hào nhất đó là một “tay ngang” làm trong lĩnh vực ngân hàng nhưng giờ đã có dáng dấp, tư duy và chút giắt lưng của một banker.
Sang ngân hàng mất đến 75% thời gian tâm sức
Doji có 8 năm trong top 5 DN lớn nhất Việt Nam. Vậy ông có thể chia sẻ gì và nhận định thế nào về thị trường vàng thời gian qua, tới đây?
“Ngân hàng Việt Nam đã có những thay đổi căn bản thời gian qua. Những gì yếu kém, sai lầm nhất đã bộc lộ. 5 năm tới sẽ là giai đoạn ngành ngân hàng cất cánh, trở về vị trí cần phải có, tích cực và quan trọng hơn”. Ông Đỗ Minh PhÚ, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank
Doji tham gia thị trường vàng vào tháng 5/2006. Khi đó, chúng tôi cũng chính thức bắt tay chuyển hướng kinh doanh vàng bạc sản xuất vàng trang sức. Doanh số của Công ty thì cứ nâng dần. Nếu năm 2007 là 1.200 tỷ thì sang 2008 lên tới 10.000 tỷ; những năm sau lên 20.000, 30.000 và đến nay đã là 50.000 tỷ. Chính điều đó đã giúp Doji chính thức gia nhập Câu lạc bộ 500 DN lớn nhất VN. Sau 1 năm nhảy lên vị trí thứ tư còn 8 năm trong top 5 của 500 DN .
Thị trường vàng hiện tại không còn ‘lấp lánh” như trước nhưng Doji vẫn có một hướng đi riêng. Các sản phẩm vàng của Doji có thể vừa làm trang sức, vừa vó giá trị cất giữ, lại vừa làm quà tặng. Dù vàng miếng không hấp dẫn như một kênh đầu tư nói, tôi tin rằng người Việt mình ít nhiều ai cũng có (hoặc anh chị em trong nhà có) cất giữ một vài miếng vàng. Cho nên, vàng vẫn có một giá trị riêng. Còn đối với tập đoàn Doji đến lúc này tôi xác định sẽ phải thay đổi chiến lược vì thị trường thay đổi.
Thành công nào đi cùng với mồ hôi và nước mắt. Vậy thành công của TPBank và Doji, ông đã “đổ” cho bên nào nhiều hơn?
5 năm qua, tôi dành nhiều thời gian chủ yếu cho TPBank hơn Doji. Và tôi cũng được trải nghiệm ở 1 lĩnh vực rất khó. Tôi nhớ ngày 3/7/2012 nhận được quyết định của Thống đốc về tái cơ cấu ngân hàng. 5 năm đó là sự đánh đổi rất lớn khi tôi chưa có lúc nào lên giường vào lúc 12 h khuya; cùng đó tôi mất đi 10% trọng lượng cơ thể. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ phải vào bệnh viện vậy mà cũng phải vào phẫu thuật dạ dày và nằm tới 12 ngày bất động không ăn không uống. Nếu nói rằng đã chia sẻ bao nhiêu thì có lẽ TPBank đã chiếm 75% thời gian, tâm sức của tôi.
5 năm tới, ngành ngân hàng cất cánh
Nhận định về xu hướng phát triển của ngành NH trong 5 năm tới, ông thấy thế nào?
Ngân hàng Việt Nam có những thay đổi căn bản thời gian qua. Những gì yếu kém, sai lầm nhất đã bộc lộ; có 9 NHTMCP tái cơ cấu giai đoạn đầu tiên. Không phải ngẫu nhiên tại thời điểm này hầu hết giá cổ phiếu NH đều tăng và ngành đã lấy lại phong độ. 5 năm tới tôi cho rằng sẽ là giai đoạn ngành NH cất cánh, trở về vị trí cần phải có, 1 vị trí tích cực quan trọng hơn. Những vấn đề như cạnh tranh lãi suất, đi đêm, không còn. Một khi nền tài chính đã phát triển lành mạnh, tỷ giá ổn định NH sẽ tương đối rảnh tay; họ sẽ tập trung lo phát triển.
5 năm tới ngành NH sẽ bước vào giai đoạn phát triển lành mạnh. Với TPBank sẽ là 1 giai đoạn khẳng định định vị trí NH số hàng đầu.Chúng tôi cảm nhận cơ hội đã đến trong thời đại kỷ nguyên số; TPBank đã nắm bắt thời cơ.
TPbank sẽ làm gì để định hướng trở thành ngân hàng mạnh?
TPBank có khá nhiều việc phải làm nhưng 1 số lĩnh vực đã hoàn thành. Mục đích của NH là lợi nhuận nhưng tôi muốn TPBank không nằm cao nhất vì sẽ bằng mọi giá mà tôi muốn là trong 5 NH mạnh nhất - chỉ tiêu này cho thấy TPBank không chỉ có con đường ngắn. Tôi muốn TPBank nằm trong Top 5 của NH mạnh nhất VN; có những NH họ đang gặp khó khăn nhưng khi họ vươn lên trỗi dậy họ sẽ giành giật lại.
Cảm ơn ông!
Ông Đỗ Minh Phú sinh năm 1953 tại Yên Bái. Ông tốt nghiệp ngành vô tuyến điện tử tại ĐH Bách khoa Hà Nội và có thời gian dài công tác trong ngành vàng bạc đá quý. Ông là người sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI và bắt đầu tham gia vào lĩnh vực ngân hàng với việc mua lại 20% cổ phần của TPBank vào năm 2012. Sau 5 năm gắn bó kiêm nhiệm, ông Phú quyết định rời chiếc ghế Chủ tịch HĐQT tại Công ty Vàng bạc đá quý DOJI và toàn tâm toàn ý với vị trí Chủ tịch HĐQT TPBank. Triết lý sống của ông: Điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời là được làm việc và cống hiến!